Hôm nay (12/12), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) đã công bố triển khai Dự án VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418 tại Việt Nam.
Nghiên cứu VISTA-1 của Công ty công nghệ sinh học Hoa Kỳ Riboscience đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép triển khai giai đoạn 2 vào tháng 9/2024. Ngay sau đó, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vào đầu tháng 12/2024. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp đột phá khi sử dụng cơ chế miễn dịch để điều trị ung thư.
Với kết quả thử nghiệm lâm sàng an toàn ở giai đoạn 1 tại hơn 10 bệnh viện, trung tâm y khoa uy tín tại Hoa Kỳ, thuốc RBS2418 tiếp tục được phê duyệt nghiên cứu ở giai đoạn 2 về hiệu quả đáp ứng trên người mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị hiện có.
Dự kiến, ở giai đoạn 2A hiện nay, VISTA-1 sẽ thu tuyển 150 bệnh nhân tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, Dự án sẽ triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, dự kiến mở rộng thêm tại 3 bệnh viện lớn khác trong thời gian tới.
GS.TS.BS Jeffrey S. Glenn, trường Đại học Y Stanford cho biết, RBS2418 là một loại thuốc đầy hứa hẹn, có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu VISTA-1 sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để đánh giá hiệu quả của thuốc trên bệnh nhân. Trong đó, việc hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam trong VISTA-1 là vô cùng cần thiết và quý giá trong hành trình này.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, đây là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 2A đầu tiên và duy nhất trong thuốc điều trị bệnh lý ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên một xét nghiệm chỉ dấu sinh học mới được chuyển giao kỹ thuật ngay từ khi bắt đầu để thực hiện tại phòng xét nghiệm trung tâm cho các địa điểm nghiên cứu ở Việt Nam mà không phải chuyển mẫu về phòng xét nghiệm ở nước ngoài.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư chiếm 16% số ca tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 120.000 người qua đời vì căn bệnh này, nhiều nhóm ung thư gia tăng, trong đó có ung thư đại trực tràng. Ước tính từ dự án Globocan của Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC), đến năm 2045, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng riêng tại khu vực châu Á có thể tăng lên gần 80% so với hiện nay.
Một trong những thách thức lớn trong điều trị ung thư đại trực tràng là bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ di căn cao. Nhiều thống kê cho thấy, 15-30% bệnh nhân ung thư đại trực tràng mới được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn di căn và 50-60% các trường hợp ung thư tại chỗ cuối cùng tiến triển thành di căn. Việc phát hiện muộn, ở giai đoạn bệnh nặng, khiến quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn chỉ đạt khoảng 10-20%.
"Tại Việt Nam, nhiều bệnh ung thư giai đoạn di căn, nếu dùng thuốc đích hoặc thuốc miễn dịch, tỷ lệ sống sau 5 năm là 30-40%", TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết.
Sự kiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng các nhà khoa học Mỹ trong dự án VISTA-1 đã khẳng định năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học của nền y học Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nam trong môi trường y khoa quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận sớm với các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến cho người dân.
Việc tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng quốc tế như VISTA-1 cũng giúp Việt Nam thiết lập được cơ sở dữ liệu điều trị trên người bệnh tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện hồ sơ thuốc mới và là điều kiện quan trọng để có thể thúc đẩy quá trình cấp phép lưu hành thuốc mới sau này tại Việt Nam.
HM
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thu-nghiem-thuoc-mien-dich-duong-uong-dieu-tri-ung-thu-tai-viet-nam-a194093.html