Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước

Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực; mạnh dạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù nhằm tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển chất lượng giáo dục toàn diện.

 

ha-noi-can-huong-den-he-thong-chuan-giao-duc-cao-hon-ca-nuoc1-dulichgiaitrivn-giao-duc-1646891291.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều nội dung được đề cập tại cuộc làm việc sáng 8/3 của Thường trực Thành uỷ Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD&ĐT của TP. Hà Nội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Linh hoạt hình thức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, Hà Nội hiện có có 2.835 trường mầm non, phổ thông… với trên 2,2 triệu học sinh; trên 138.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Các trường đại học, cao đẳng thuộc các các Bộ, ngành trên địa bàn có khoảng 120 trường với gần 1 triệu sinh viên, học sinh.

Ngành GD&ĐT Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học và công tác quản lý giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Trong công tác phòng, chống dịch COVIV-19, thực hiện nghiêm tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành GD&ĐT kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến giúp hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn. Đến nay, Thành phố thực hiện tiêm phòng vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục: Số lượng mũi 1 đã tiêm đạt 99,8% và số lượng mũi 2 đã tiêm đạt 99,5%.

Đối với lộ trình cho học sinh quay lại trường học, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện nay học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tính đến ngày 6/3, cấp tiểu học và khối lớp 6 cấp THCS tiếp tục dạy và học trực tuyến tỷ lệ học sinh tham gia học tập đạt 97,36%. Cấp THCS (từ lớp 7 - 9), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07% và còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Cấp THPT, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45% và còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến.

Phát huy tính đặc thù, lợi thế Thủ đô trong phát triển giáo dục

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ quản lý, giáo viên toàn ngành trong nhiều thế hệ cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội. Từ đó, giáo dục của Hà Nội đang tạo ra được thương hiệu riêng

Để giáo dục Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, Hà Nội cần quan tâm tới quỹ đất tạo ra không gian phát triển mới trong giáo dục theo hướng thực chất, chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo và chất lượng chuẩn đào tạo. Đồng thời, có các chính sách đặc thù để khuyến khích trong phát triển giáo dục như: Giải quyết tốt vấn đề thừa thiếu giáo viên; giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; phát huy tính đặc thù, lợi thế Thủ đô trong xã hội hoá, phát triển trường ngoài công lập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, Hà Nội cần tập trung giảm sỹ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học để bảo đảm chất lượng đầu ra. Muốn vậy, Hà Nội cần quan tâm bố trí các quỹ đất sạch cho trường tư phát triển, cùng với đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để bảo đảm công bằng giữa khu vực trường công và tư và xây dựng hệ thống giáo dục đạt chuẩn cao hơn cả nước.

ha-noi-can-huong-den-he-thong-chuan-giao-duc-cao-hon-ca-nuoc2-dulichgiaitrivn-giao-duc-1646891317.jpg
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT. Ảnh: VGP/Gia Huy

Cần thiết có thể ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô trong giáo dục

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, quy mô giáo dục trên địa bàn Thủ đô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều, thách thức rất lớn, cơ hội nhỏ và thuận lợi nhỏ. Tuy nhiên, vượt qua những áp lục đó thì trong những năm qua, Hà Nội vẫn được đánh giá là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu và có tầm quan trọng đặc biệt.

Để duy trì, phát triển được ưu thế này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực. Phát triển hơn nữa phương diện con người và thực hiện kết nối giáo dục với các không gian văn hoá, công viên thể thao, thư viện, bảo tàng… sẵn có để phát triển chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Đối với vấn đề chính sách, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các chính sách để mở đường cho sự phát triển và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển giáo dục nói chung. Còn đối với Hà Nội, đề nghị mạnh dạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù và cần thiết có thể ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô trong giáo dục. Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội làm đầu mối để có chương trình phối hợp công tác với một số nội dung cụ thể. Thành phố cần sớm có đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực để làm căn cứ trong quy hoạch và bảo đảm nguồn nhân lực cho giáo dục.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tác động của dịch COVID-19, Thành phố càng dành sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục để bảo đảm chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Hà Nội dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học.

TP. Hà Nội đã xác định GD&ĐT là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Thành ủy cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, tồn tại của GD&ĐT và trên cơ sở đó xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau nay đô thị hóa không còn quỹ đất như thực trạng xảy ra ở các quận nội đô hiện nay.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, tới đây, Thành phố sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng Thành phố trong thành phố, giáo dục, khoa học công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng GD&ĐT.

Cũng theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án để khi được phân bổ vaccine là tiêm được cho trẻ từ 5-11 tuổi, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.

Gia Huy

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-can-huong-den-he-thong-chuan-giao-duc-cao-hon-ca-nuoc-a19419.html