Di tích lăng Vua Tự Đức – Khiêm Lăng nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh, ở phường Thủy Xuân, TP. Huế, được đánh giá là một trong những lăng mộ tiêu biểu, đẹp nhất Triều Nguyễn, điển hình cho lối kiến trúc cảnh quan truyền thống Huế. Khu lăng mộ xây dựng từ năm 1864 có diện tích khoảng 12 ha, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1.500 m. Toàn bộ khu lăng có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ.
Trải qua gần 200 năm tồn tại, một số hạng mục công trình ở lăng Tự Đức đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2015, 6 hạng mục công trình tại đây là Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì và hồ Lưu Khiêm đã được trùng tu, bảo quản, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Tháng 4/2024, Dự án "Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức" (phần còn lại) được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện đến năm 2027. Trong đó, công trình Điện Hòa Khiêm sẽ tu bổ, phục hồi nền lát gạch, hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ; phục hồi mái lợp ngói âm dương hoàng lưu ly, bờ nóc, bờ quyết ô hộc, con giống; tu bổ án thờ, tủ thờ và đồ nội thất.
Tại Minh Khiêm Đường, dự án cũng sẽ tu bổ, gia cường và cân chỉnh nền móng bó vỉa, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng theo hiện trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, cửa; phục hồi mái lợp ngói liệt men xanh, bờ nóc, bờ quyết ô hộc gắn gạch gốm tráng men. Tu bổ, phục hồi đồ nội thất phục vụ trưng bày và tái hiện không gian; tôn tạo hệ thống điện, đèn và chiếu sáng nghệ thuật phục vụ biểu diễn nhạc truyền thống.
Dự án cũng tu bổ, phục hồi công trình Ôn Khiêm Đường ở các hạng mục nền móng, tường, hệ khung gỗ, cửa, hệ mái; phục hồi đồ nội thất cho trưng bày và tái hiện không gian. Ngoài ra, la thành, cổng (Vụ Khiêm Môn) và bình phong cũng được tu bổ, gia cường và phục hồi. Đồng thời, trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lăng Tự Đức là công trình gỗ nên đòi hỏi thợ thủ công phải là những người có tay nghề cao để thi công bảo đảm chất lượng cũng như yếu tố thẩm mỹ. Quá trình thi công các hạng mục sẽ cố gắng giữ gìn yếu tố gốc, nguyên bản của di tích. Công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể Di tích Cố đô Huế.
NA
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-dam-yeu-to-goc-khi-trien-khai-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-lang-vua-tu-duc-a194749.html