Tìm hướng đi cho nông sản Việt trong tiến trình phát triển xanh và bền vững

Sáng ngày 18/12, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn 'Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024' nhằm truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Tìm hướng đi cho nông sản Việt trong tiến trình phát triển xanh và bền vững

tim-huong-di-cho-nong-san-viet-trong-tien-trinh-phat-trien-xanh-va-ben-vung-dulichgiaitri-2-1734526988.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

Được sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 8231/BNN-KH ngày 15/11/2023, sáng ngày 18/12, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024" với mong muốn tạo ra một nơi để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp năm 2024.

Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng nông, lâm, thủy ản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%.

Ngoài ra, phân bón cũng đang là mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong khi nhiều năm về trước chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày về tình hình xuât khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024. Ông Phong thông tin, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2024 ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18%. Trong đó, rau củ quả ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 28,4%; gạo ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 23,1%; cà phê ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 28,7%; thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 10,3%; lâm sản ươc đạt 17,2 tỷ USD, tăng 18,9%.

Ông Phong cho biết: "Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2024 đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia (Trung Quốc - Hoa Kỳ - Asean, Trung Đông, EU). Xuất khẩu vào các thị trường trong điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có sự chậm lại qua các tháng. Ngoài ra, chính sách bảo hộ cũng đang ngày một tăng, phòng vệ thương mại ngày càng được quan tâm. Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa (đặc biệt là Trung Quốc)".

Để có được kết quả đó, các doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cũng tại Diễn đàn, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công nhận định: "Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cấp chính quyền, nhiều chủ trương và chính sách lớn về 'tam nông' – nông nghiệp, nông thôn, nông dân – đã được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học nông học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩms góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện. Với góc nhìn của một doanh nghiệp đã tham gia lĩnh vực nông nghiệp hơn 45 năm, chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi, và cảm nhận rằng những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện đáng kể đời sống của bà con nông dân, mà còn tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch với giá trị cao và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Có thể nói, nền nông nghiệp nước ta tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu".

Lắng nghe các khó khăn và thực trạng vướng mắc của doanh nghiệp, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, ông Phùng Đức Tiến cho biết: "Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

tim-huong-di-cho-nong-san-viet-trong-tien-trinh-phat-trien-xanh-va-ben-vung-dulichgiaitri-1-1734526988.jpg
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuẩn chuỗi giá trị, đồng thời tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.

 

Tìm hướng đi cho nông sản Việt trong tiến trình phát triển xanh và bền vững

Thanh Tùng

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tim-huong-di-cho-nong-san-viet-trong-tien-trinh-phat-trien-xanh-va-ben-vung-a194820.html