Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”

Năm 2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (viết tắt là ERPA) được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và Nghệ An là một trong 6 tỉnh được thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đây là thành quả mà tỉnh Nghệ An đã cam kết với chính phủ, các tổ chức quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh trong phát triển "kinh tế rừng".

Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”- Ảnh 1.

Chi trả chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính theo thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ là chính sách mới, đang trong thời gian thực hiện thí điểm là thách thức đối với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng trong công tác giải ngân. Nhưng với quan điểm " lấy người dân làm trọng tâm", là động lực trong thực hiện nhiệm vụ, do vậy trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT; sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, các địa phương trong việc việc triển khai, thực hiện ERPA nên các điểm nghẽn như: Địa bàn có nhiều diện tích rừng lại là những huyện có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, số lượng chủ rừng lớn (hơn 30 nghìn đối tượng hưởng lợi trên địa bàn 211 xã thuộc 19 huyện)... đã được tháo gỡ kịp thời, đó là cơ sở cho công tác giải ngân tăng tốc vượt bậc trong những tháng cuối năm. Đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã giải ngân hơn 116 tỷ đồng đến các chủ rừng, trong đó phải kể đến sự hiệu quả có tính lan tỏa cao được nhân dân đồng thuận đó là phần lớn kinh phí đến với hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Trong tổng số tiền đã giải ngân có hơn 40,5 tỷ đồng là chi trả tiền công tuần tra, bảo vệ rừng cho 117 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ sinh kế cho 453 cộng đồng dân cư với số tiền hơn 22,6 tỷ và gần 30 tỷ đồng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư... Kết thúc năm tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phấn đấu giải ngân 100% số tiền theo kế hoạch tài chính được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”- Ảnh 2.

Song song với thúc đẩy công tác giải ngân, Quỹ cũng đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bền vững của chính sách. Và xác định đây là một hoạt động đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều bên liên quan, từ cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, đến cộng đồng địa phương. Do đó, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh đã xây dựng các tiêu chí để đánh giá tính minh bạch, hiệu quả trong thực hiện chi trả giảm phát thải khí nhà kính; Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, giám sát; Rà soát diện tích chi trả tiền ERPA đảm bảo đồng bộ với dữ liệu dịch vụ môi trường rừng tại các huyện; Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát và đánh giá hoạt động ERPA thông qua các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực; Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, và các nhà tài trợ quốc tế; Thường xuyên trao đổi thông tin, đánh giá tiến độ và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện tại mỗi huyện, xã; Công khai kết quả kiểm tra, giám sát để tăng cường niềm tin từ các bên liên quan.

Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”- Ảnh 3.

Cùng tham gia các hoạt động với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, chúng tôi nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực. Đối với chủ rừng là tổ chức chức, thực hiện ERPA đã góp phần huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ chủ rừng là tổ chức, được nhận tiền công tuần tra bảo vệ rừng, đây là thu nhập chính đáng từ rừng, làm giảm đi các vụ vi phạm lâm luật. Từ đó, giúp giảm áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, ERPA cũng chi trả cho các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng thông qua chủ rừng là tổ chức để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng sống gần rừng, làm cho sợi dây gắn kết giữa các chủ rừng là tổ chức và cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương trở nên khăng khít hơn.

Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”- Ảnh 4.

Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, được nhận tiền ERPA giúp họ có thêm nguồn lực kinh tế để nâng cao đời sống, có thêm động lực để tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao nhận thức về giá trị của rừng và ngày càng có trách nhiệm hơn, cũng như hình thành tư duy sản xuất, quản trị rừng chuyên nghiệp hơn, từ bỏ dần thói quen xâm hại rừng.

Tăng tốc chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị “ kinh tế rừng”- Ảnh 5.

Với những kết quả đáng ghi nhận của giai đoạn đầu thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính, là động lực quan trọng để Nghệ An nói chung và Quỹ Bảo vệ phát triển rừng nói riêng tiếp tục phát huy và vươn lên hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch của chương trình ERPA, thúc đẩy tăng trưởng giá trị "kinh tế rừng" góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Nhóm PV và QBVPTR Nghệ An

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-toc-chi-tra-nguon-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong-gia-tri-kinh-te-rung-a194977.html