Chứng khoán Kafi tiếp tục vay hạn mức 5.000 tỷ đồng

Danh sách cổ đông của Kafi sau đợt chào bán cổ phiếu đã hé lộ dàn cổ đông "khủng" đến từ liên minh VIB.

Cơ cấu cổ đông biến mất Uniben

CTCP Chứng khoán Kafi vừa công bố đã hoàn tất đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/12, qua đó thu về 2.500 tỷ đồng và nâng vốn điều lên 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà đầu tư trong nước đã mua 200 triệu cổ phiếu và nhà đầu tư nước ngoài mua vào 50 triệu cổ phiếu.

Theo danh sách, Kafi có tổng cộng 50 cổ đông hiện hữu. Kết quả phát hành cũng hé lộ danh sách cổ đông chi tiết cùng tỉ lệ sở hữu của công ty chứng khoán chưa niêm yết này.

Sau thương vụ trên, hiện Kafi còn 1 cổ đông lớn duy nhất là Gentle Sun Investment với tỉ lệ sở hữu 20%.

Chứng khoán Kafi tiếp tục vay hạn mức 5.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Mối liên hệ giữ Chứng khoán Kafi và Ngân hàng VIB. Tỉ lệ sở hữu trước đợt tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh sách 50 cổ đông của Kafi, cái tên CTCP Uniben đã biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện của CTCP Unicap với tỉ lệ sở hữu 4,95% vốn Kafi.

Trong khi theo báo cáo tài chính quý III/2024, vào ngày 30/9/2024 thì Uniben vẫn sở hữu 10% vốn Kafi.

Về phía Unicap, doanh nghiệp này từng gây chú ý vào hồi tháng 10 vừa qua khi chi hơn 1.200 tỷ đồng mua 66,7 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỉ lệ nắm giữ trên 2,2%. Sau thương vụ trên, Unicap đã sở hữu 7,47% vốn VIB.

Ngoài ra, các cổ đông liên quan đến VIB cũng xuất hiện tại Kafi. Cụ thể, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB nắm trực tiếp 24,3 triệu cổ phần Kafi sau đợt chào bán, tương đương tỉ lệ sở hữu 4,86%. Bà Trần Thị Thảo Hiền - vợ ông Vỹ cũng sở hữu 4,88%.

Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT VIB cũng đang sở hữu 4,9% Kafi. Vợ ông Sơn - bà Đặng Thị Thu Hà cũng nằm trong danh sách này với tỉ lệ nắm giữ 2,45%.

CTCP Beston cũng sở hữu 4,92% vốn và CTCP Funderra sở hữu 4,51% vốn Kafi. Cả 2 doanh nghiệp này đều do ông Đặng Khắc Vỹ làm Chủ tịch HĐQT.

Chi tiết hơn về việc nhóm cổ đông liên quan VIB xuất hiện tại Kafi, Người Đưa Tin đã đề cập ở bài viết Màn vực dậy của Chứng khoán Kafi khi liên minh VIB gõ cửa.

Vay hạn mức 5.000 tỷ đồng từ BIDV và Vietcombank

Một điều đáng chú ý khác tại Kafi là việc vay hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng ngay sau khi tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Cụ thể, HĐQT Kafi đã thông qua Nghị quyết phê duyệt hạn mức tín dụng tại BIDV – chi nhánh Thái Hà là 3.500 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng tại Vietcombank – chi nhánh Tây Hồ.

Thời hạn duy trì hạn mức đều là 12 tháng, lãi suất theo quy định của các ngân hàng từng thời kỳ.

Chứng khoán Kafi tiếp tục vay hạn mức 5.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Tại thời điểm cuối quý III/2024, dư nợ vay của Kafi tăng mạnh khi ghi nhận 9.874 tỷ đồng, gấp đôi so với hồi đầu năm.

Về mục đích sử dụng vốn, hạn mức vay tại BIDV thì Kafi sẽ bổ sung cho hoạt động kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng khoán và giấy tờ có giá trị khác, dịch vụ giao dịch ký quỹ, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, công ty cũng sử dụng tiền vay để bảo lãnh cho các hoạt động (kể cả bảo lãnh vay vốn).

Khoản vay được bảo đảm bằng tiền trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, giấy tờ có giá thuộc sở hữu của Kafi do BIDV phát hành hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành được BIDV chấp nhận và/hoặc không có tài sản bảo đảm.

Còn với khoản vay tại Vietcombank, Kafi sẽ bổ sung vốn phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, bên cạnh cấp bảo lãnh cho các hoạt động của công ty (kể cả bảo lãnh vay vốn).

Kafi bảo đảm bằng tiền gửi, trái phiếu Chính phủ, giấy tờ có giá (trừ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) thuộc sở hữu của công ty tại Vietcombank, các tổ chức tín dụng khác được Vietcombank chấp nhận từng thời kỳ.

Màn vực dậy của Chứng khoán Kafi khi liên minh VIB gõ cửa

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, dư nợ vay của Kafi tăng mạnh khi ghi nhận 9.874 tỷ đồng ở thời điểm 30/9/2024, gấp đôi so với hồi đầu năm.

Trong đó, Kafi vay gần 4.888 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước có kỳ hạn dưới 1 năm, với lãi suất 2,25 – 6.5%/năm, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Công ty cho biết, các tài sản như 400 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 2.955 tỷ đồng giấy tờ có giá và 350 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay.

Gần 4.987 tỷ đồng còn lại Kafi vay từ các tổ chức và cá nhân theo gói giao dịch K-Wealth và vay bên thứ 3 với thời hạn tối đa 365 ngày, lãi được tính dựa trên số ngày vay thực tế, mức lãi suất từ 2,55 – 8,25%/năm. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chung-khoan-kafi-tiep-tuc-vay-han-muc-5000-ty-dong-a195461.html