Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam

Một năm sau khi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM triển khai ứng dụng công nghệ Robot AI Modus V Synaptive, nhiều người bệnh u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não “hồi sinh” ngoạn mục và sống khỏe mạnh.

Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam- Ảnh 1.

Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết thông tin trên tại buổi Tọa đàm công bố sự kiện 100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI Modus V Synaptive.

Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, xúc động chia sẻ: "Khi nhìn thấy hình ảnh những người bệnh khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường, tôi thậm chí không thể hình dung đó chính là những người trong những ca mổ lịch sử mà tôi cùng êkip tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã thực hiện bằng Robot AI trong một năm qua".

Có những ca bệnh u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não với những giây phút vô cùng gian nguy mà ông và ê kíp chắc chắn không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình.

Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam- Ảnh 2.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ tại buổi tọa đàm công bố sự kiện 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Ông cho biết 100 ca mổ não và tủy sống chỉ là con số khiêm tốn so với hơn 12.000 ca mổ thần kinh sọ não mà ông đã thực hiện trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, đây lại là những ca mổ mang dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp của ông và các đồng nghiệp, đồng thời đặt những dấu mốc quan trọng cho y tế Việt Nam trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não bằng robot ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới. Thành công này mở ra một "cuộc cách mạng" cho cả bác sĩ lẫn người bệnh tại Việt Nam.

Robot AI định vị, "dẫn đường" bác sĩ tiến vào não hoặc tủy sống

Kỹ thuật mổ truyền thống chỉ cho phép bác sĩ quan sát vị trí khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh qua những hình ảnh rời rạc. Bác sĩ không thể quan sát tổng thể các tổ chức bên trong não trên cùng một hình ảnh. Vì vậy, bác sĩ khó có được góc nhìn toàn diện, không thể định vị trước đường mổ an toàn, dễ làm tổn thương các cấu trúc lành khi đưa dụng cụ mổ vào não hay tủy sống.

Do đó, dù bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương các bó sợi thần kinh, cấu trúc não lành hoặc làm vỡ mạch máu lớn. Điều này có thể dẫn đến những khiếm khuyết về chức năng thần kinh, để lại di chứng không thể tránh khỏi cho người bệnh.

Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam- Ảnh 3.

Dựng hình bản đồ 3D sọ não nhờ ứng dụng công nghệ AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Robot AI Modus V Synaptive giúp khắc phục những hạn chế của kỹ thuật mổ não truyền thống khi có thể hòa hình các hình ảnh CT, MRI, DTI, DSA vào cùng một ảnh 3D độ phân giải cao. Từ đó, Robot cho phép bác sĩ mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng, chủ động nghiên cứu và lựa chọn đường tiếp cận tối ưu nhất, giảm thiểu nguy cơ tổn thương não lành.

Khi mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ. Mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ.

Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống, dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo để bác sĩ đảm bảo cuộc mổ diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu đã được xác lập tại cuộc mổ mô phỏng. Nhờ đó, người bệnh hồi phục nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng thần kinh.

Nhờ Robot AI, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã phẫu thuật được nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm, nhiều người bệnh gần như hết hy vọng khi "bị trả về" do không dám mổ điều trị. Nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều trẻ 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.

Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam- Ảnh 4.

Bác sĩ Tấn Sĩ kiểm tra quá trình phục hồi của bệnh nhi mổ u não bằng robot AI từng bị nhiều bệnh viện "trả về". Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

"Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh như vậy", bác sĩ Tấn Sĩ nói.

Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết mổ não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.

Mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não đỉnh cao

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Robot AI còn được ứng dụng trong kỹ thuật mổ não thức tỉnh (ENRICH) để cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Bác sĩ Tấn Sĩ là người đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam học tập kỹ thuật mổ não thức tỉnh ENRICH bằng Robot AI tại Viện Nghiên cứu Thần kinh Aurora, Wisconsin, Mỹ và triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM theo cấp phép của Bộ Y tế.

Điểm đặc biệt của kỹ thuật ENRICH bằng Robot AI là mổ "vô cảm thức tỉnh", tức bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác, cử động, thậm chí hát trong lúc mổ để bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh khi thao tác vào vùng não chức năng tương ứng.

Đây là kỹ thuật mới được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là "cuộc cách mạng" trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, mang đến nhiều đột phá về thời gian lẫn phương pháp, công nghệ điều trị đột quỵ xuất huyết não.

Thực hiện thành công 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên với Robot AI duy nhất tại Việt Nam- Ảnh 5.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quan sát hình ảnh từ Robot AI Modus V Synaptive trong cuộc mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI hiện đại này. Hiện trên thế giới chỉ có 14 nước sử dụng, đa phần là các quốc gia phát triển.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện, đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ, mở rộng và nâng tầm ứng dụng những kỹ thuật này, hướng đến xây dựng trung tâm phẫu thuật não AI hiện đại", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Tuấn Đạt

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thuc-hien-thanh-cong-100-ca-mo-nao-tuy-song-dau-tien-voi-robot-ai-duy-nhat-tai-viet-nam-a195509.html