Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“

(PNTĐ) - Vào lúc 14h ngày 24/12/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô kết hợp cùng Acecook Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình". Các khách mời là lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, chuyên gia, bác sĩ sẽ cung cấp những thông tin chính xác, thiết thực, giúp quý vị xây dựng một chế độ dinh dưỡng tối ưu cho cả gia đình. Trân trọng kính mời cán bộ, hội viên phụ nữ và độc giả gửi câu hỏi tương tác với các khách mời!

Sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi người và dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe. Một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tật mà còn mang lại năng lượng cho một cuộc sống năng động.

Để giúp cho hội viên phụ nữ và độc giả có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, biết cách lựa chọn thực phẩm và bữa ăn có đủ dinh dưỡng, với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình".

Tại buổi giao lưu, các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin chính xác, thiết thực, giúp quý vị xây dựng một chế độ dinh dưỡng tối ưu cho cả gia đình. Đồng thời, người xem được hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng bữa ăn cân bằng dinh dưỡng trong mỗi gia đình. Cách vận động, thể dục thể thao, giảm cân khoa học, an toàn; Một số căn bệnh thường gặp về dinh dưỡng; Những lưu ý khi ăn kiêng, ăn chay để phù hợp và tốt cho sức khỏe; Cách gắn kết tình cảm từ những bữa cơm gia đình...

24/12/2024 14:01

Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết: Trong văn hóa truyền thống Việt, bữa cơm gia đình là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi người, nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần. Bữa cơm gia đình góp phần gắn kết tình cảm yêu thương, hình thành nền nếp gia phong trong mỗi nếp nhà. Trong xã hội truyền thống, bữa cơm gia đình còn là nơi dạy trẻ lễ nghĩa “kính già yêu trẻ”, là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… đối với cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Trong xã hội thời hiện đại, khi sức ép của công việc, của những mối quan hệ xã hội gia tăng, bữa cơm gia đình có phần mai một. Điều này cũng khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên gia đình trở nên lỏng lẻo dần. 

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 1
Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình.

Vì thế, để duy trì bữa cơm gia đình, từ đó tạo sự gắn kết tình cảm bền chặt giữa các thành viên gia đình, nhiều năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đều lấy chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Thông qua chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc nhở tất cả mọi người duy trì bữa cơm như một cách để thắp lửa cho tổ ấm của mình. Hãy trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc của gia đình.

Việc chăm chút và duy trì bữa cơm gia đình chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.

Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội. Bên cạnh những nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị theo mục đích tôn chỉ, Báo còn chú trọng tuyên truyền những kỹ năng tổ chức, quản lý đời sống gia đình, hướng tới mục đích xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc cho các hội viên phụ nữ và bạn đọc của Báo. Trong 38 năm phát triển, Báo Phụ nữ Thủ đô tự hào là khi trở thành “cẩm nang” cho các chi tổ phụ nữ cơ sở, các câu lạc bộ dùng làm tài liệu để sinh hoạt đọc và làm theo Báo hội, trong đó có vấn đề chăm sóc, xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ lửa trong mỗi tổ ấm dưới tác động mạnh mẽ của đời sống thị trường. 

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 2
Quang cảnh chương trình giao lưu.

Tổng Biên tập Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh: Trong cuộc sống hiện đại, thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh đang chiếm lĩnh các bữa cơm gia đình, cũng như trở thành trào lưu phổ biến của giới trẻ. Điều này đã dẫn tới hệ lụy tỷ lệ thừa cân, béo phì, đái tháo đường tăng cao đối với người Việt, đặc biệt là đối tượng trẻ em. 

Nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ em là ăn thừa chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng, ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biểu sẵn, thực phẩm nhiều đường… Cùng với đó là quan niệm sai lầm của các gia đình hiện nay đối với trẻ mầm non là là thích trẻ bụ bẫm nên luôn cho trẻ em thừa dinh dưỡng. Hậu quả của việc thừa cân, béo phì là nảy sinh các bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch…

“Làm thế nào để lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình là điều được mọi người quan tâm. Làm thế để việc vào bếp chế biến bữa cơm gia đình không chỉ là vai trò, nhiệm vụ của người phụ nữ mà còn là niềm yêu thích của nam giới, là sự chia sẻ đầy trách nhiệm của các thành viên gia đình dành cho nhau thể hiện bằng những món ăn yêu thích, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đây chính là mục đích mà Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình” hôm nay”, Tổng Biên tập Lê Quỳnh Trang cho biết.

Theo Tổng Biên tập Lê Quỳnh Trang, trong chương trình giao lưu, dưới góc nhìn, sự phân tích, tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành như: PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; TS.BS Chu Thị Tuyết - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Hữu Nghị, BS Đỗ Nam Khánh – UV Ban Thường vụ, Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam sẽ mang đến cho bạn đọc của Báo Phụ nữ Thủ đô có thêm nhiều kiến thức hiểu biết về việc lựa chọn thực phẩm sao cho đúng khi chuẩn bị bữa ăn gia đình. Để từ đó, chúng ta có thể chế biến những mâm cơm gia đình chất lượng bằng các món ăn đủ chất dinh dưỡng, từ những thực phẩm sạch, đảm bảo.

24/12/2024 14:05

Bắt đầu chương trình giao lưu. 

Tham dự chương trình giao lưu trực tuyến có các vị đại biểu là lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô, đại diện đơn vị tài trợ và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Về phía Hội LHPN Hà Nội có: Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; bà Lê Quỳnh Trang, Ủy viên Thường vụ, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Lê Thị Hồng Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Hà Nội.

Về phía khách mời giao lưu có: PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; BS Đỗ Nam Khánh – Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam. Đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam; TS.BS. Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Hữu Nghị

Cùng tham gia chương trình hôm nay còn có các cán bộ, hội viên phụ nữ tới từ Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.

Chương trình hiện đang được phát trực tiếp trên các nền tảng Youtube Báo Phụ nữ Thủ đô, Fanpage Hội LHPN Hà Nội, fanpage Báo Phụ nữ Thủ đô.

24/12/2024 14:19

Chương trình giao lưu với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

MC hỏi:  Thưa bà, với nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư vấn dinh dưỡng, bà có thể chia sẻ với quý vị khán giả sự cần thiết của dinh dưỡng với sức khỏe, cũng như vai trò của việc biết lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng bữa ăn cân bằng trong mỗi gia đình?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Sự cần thiết của dinh dưỡng với sức khỏe, cũng như vai trò của việc biết lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng bữa ăn cân bằng trong mỗi gia đình thì dinh dưỡng trong thực tế đóng vai trò rất quan trọng. Những bữa ăn đủ dinh dưỡng theo nhóm lứa tuổi khác nhau sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bữa ăn đủ dinh dưỡng còn giúp nâng cao tuổi thọ.

Bữa ăn lành mạnh với các thực phẩm lành mạnh và chế biến phù hợp giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu để cơ thể khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực hơn. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn thực phẩm bổ dưỡng và tích cực hoạt động thể chất giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần tăng tuổi thọ của bạn.Một chế độ ăn uống cân bằng phải cung cấp các chất phytochemical có hoạt tính sinh học như chất xơ, chất chống ô xy hóa và chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, mọi người nên có bữa ăn gia đình với cách chế biến lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Bữa ăn đó còn là nơi gắn kết tình cảm gia đình. Để có bữa ăn lành mạnh, chúng ta cần phải chú trọng khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm. 

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ về sự cần thiết của dinh dưỡng với sức khỏe

MC hỏi: Vậy PGS.TS có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể để khán giả dễ hình dung về việc các gia đình cần có cách lựa chọn thực phẩm như thế nào, để có bữa ăn cân bằng dinh dưỡng? PGS.TS có lưu ý gì về cách chế biến các món ăn không ạ?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Chúng ta cần lựa chọn sạch, an toàn, chế biến cân đối chất bột đường, đạm, đủ rau xanh, quả chín. Viện Dinh dưỡng có tháp dinh dưỡng cho các nhóm tuổi khác nhau từ trẻ em, học sinh tiểu học, lứa tuổi thành niên, người cao tuổi... ứng dụng cho mỗi người mỗi ngày.

Ví dụ người trưởng thành ăn 3-4 phần rau, quả chín, đa dạng các loại đạm thịt cá, cá sữa, đậu phụ, rau 2 -3 loại rau mỗi bữa ăn. Chế biến món ăn cũng tuỳ thuộc vào từng lứa tuổi cho phù hợp. Các bé nhu cầu cao hơn thì có thể ăn món rán với lượng vừa phải, còn người cao tuổi hạn chế món rán, nên ăn nhiều các món ăn luộc hấp giảm chất béo chuyển hoá trong các món rán để dự phòng bệnh lý cao như tăng huyết áp, tiểu đường. Các món ăn đơn giản như mì ăn liền thì chọn sản phẩm chế biến sẵn đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm ra thị trường, đồng thời nên ăn mì kèm rau xanh, có chất đạm,… đầy đủ cân đối. 

24/12/2024 14:35

Chương trình tiếp tục giao lưu với TS.BS. Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Hữu Nghị.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 4
TS.BS. Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Hữu Nghị trả lời câu hỏi giao lưu.

MC hỏi: Thưa TS.BS. Chu Thị Tuyết, bà có thể phân tích cụ thể hơn vai trò của dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe? Nếu chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, chúng ta có nguy cơ mắc phải những bệnh lý ra sao?

TS.BS. Chu Thị Tuyết trả lời: Trước khi phải đến Bệnh viện, chúng ta phải quản lý một chế độ ăn uống tốt, phải xem tỷ lệ khẩu phần ăn nhất định. Khi quản lý bệnh, chúng ta phải ăn bao nhiêu gạo, bao nhiêu thịt, bao nhiêu rau, nhưng nhiều khi thấy ngon miệng lại ăn thêm một củ khoai thì sẽ thừa năng lượng. Nhu cầu năng lượng của mỗi người khác nhau. Đối với người thấp bé, nhu cầu năng lượng khác người to béo, người vận động nhiều nhu cầu năng lượng cao hơn người vận động ít.

Chúng ta ăn thừa năng lượng sẽ không chuyển hóa hết vào cơ thể. Muốn một cơ thể khỏe mạnh cần có sự cân bằng năng lượng đưa vào với năng lượng tiêu hao. Nếu ăn quá nhu cầu sẽ mắc một số bệnh chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Vì vậy cần đưa đúng mức độ của từng con người, lứa tuổi, từng sự vận động của mỗi người. Một chế độ dinh dưỡng tốt cần ăn uống hợp lý, phù hợp với con người. Ngoài ra, chất đưa vào cơ thể không chỉ có đạm, thịt, cá mà cần chú ý chất xơ. Chất xơ là môi trường nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột, vi khuẩn có lợi, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh được mỡ máu… Đối với người không có bệnh lý kèm theo cần 400g rau trong một ngày, đối với người có bệnh đái tháo đường, mỡ mau cần 500-600 g rau/ngày.

Vấn đề dinh dưỡng mất cân bằng gặp nhiều, nhất là trong các phòng tập gym, nhiều bạn trẻ bị mắc suy thận. Khi thăm khám thấy lượng protein đưa vào cơ thể quá nhiều. Những trường hợp bệnh nhân rối loạn đường huyết do chế độ ăn uống không đúng. VD như ăn theo khẩu phần nhưng lại thấy ngon miệng thểm củ khoai, không bổ sung rau, hoa quả nên thiếu các vitamin, đặc biệt vitamin B1. Nếu chúng ta không bổ sung đủ chất như thì tóc dễ gẫy rụng, vết thương loét lâu lành. Quan trọng nhất chế độ dinh dưỡng hợp lý hàng ngày.

Khán giả hỏi: Hiện nay có rất nhiều xu hướng ăn kiêng như keto, paleo, low-carb... Vậy những xu hướng này có thực sự tốt cho sức khỏe và phù hợp với tất cả mọi người không? Cần lưu ý gì khi áp dụng?

TS.BS. Chu Thị Tuyết trả lời: Vấn đề ăn kiêng theo quan điểm của tôi là phải giảm rất nhiều thành phần. Mà chúng ta muốn cơ thể tồn tại, duy trì các hoạt động sống thì phải cần đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Nếu muốn giữ cân nặng hoặc giảm cân thì phải đảm bảo không bị rối loạn chuyển hóa.

Tôi không khuyên bệnh nhân theo chế độ ăn kiêng. Có nhiều trường hợp đến chúng tôi nói muốn giảm cân mà chỉ ăn đạm, không ăn tinh bột. Tôi cũng chia sẻ nếu ăn lượng đạm quá nhiều sẽ quá tải cho cầu thận, dẫn tới suy thận. Vậy, muốn giảm chất bột đường thì phải ăn chất béo, tăng đạm dẫn tới mất cân đối. Vậy nên, các chế độ ăn thấp chất bột đường thì các chị không nên làm theo. Nếu muốn giảm cân, chị em nên có các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe.

24/12/2024 14:49

Khán giả tiếp tục đặt câu hỏi giao lưu với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, TS.BS. Chu Thị Tuyết.

Khán giả hỏi: Tôi ăn chay trường, làm thế nào để cung cấp đủ vitammin và chất béo cần thiết cho người ăn chay?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Việc ăn chay thường dùng các sản phẩm khác được chế biến sẵn nên dễ bị thừa cân, béo phì. Họ chủ yếu không ăn thịt nên thiếu đạm động vật. Trong thịt có chứa các chất axit amin, kẽm, axit folic B12… Ngay trong khẩu phần ăn thiếu sữa, sữa chua, dẫn đến thiếu canxi.

Người ăn chay trường, nếu trong khẩu phần ăn không cân đối, sẽ có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt, kẽm, canxi, vitamin D3 nếu không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Với họ, chúng tôi thường khuyên nên ăn chay gián đoạn. Khẩu phần ăn nên có trứng, sữa đẻ cung cấp đủ axit amin cần thiết cho cơ thể. Người ăn chay có thể uống thêm các thực phẩm bổ sung bột protein từ các loại hạt như sữa hạt xay sẵn, hoặc uống các viên đạm chuẩn hoặc uống thêm các viên đa vi chất dinh dưỡng, cung cấp cả sắt, kẽm, vitamin…

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 5
Khán giả đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Khán giả hỏi: Tôi bị tiểu đường type 2. Chế độ ăn uống nào là phù hợp với tình trạng của tôi? Cần tránh những loại thực phẩm nào?

TS.BS. Chu Thị Tuyết:  Bác chưa nói về cân nặng chiều cao của mình là bao nhiêu, vì bệnh tiểu đường type 2 thường xảy ra với người cao tuổi và bị thừa cân béo phì.

Việc đầu tiên, các bác phải duy trì được cân nặng lý tưởng của mình, một trong những yếu tố ổn định đường huyết là phải ổn định cân nặng. Chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân không khống chế được đường huyết, dùng tới 12, 13 loại thuốc, vòng bụng to, cân nặng thừa. Vì thuốc đào thải qua gan thận, mà lượng thuốc nhiều như thế rất nguy hiểm.  Khi chúng tôi giúp khống chế cân nặng thì đường huyết cũng về chỉ số rất ổn định,

Tỷ lệ các chất đưa vào cũng rất quan trọng, 50-60% tổng năng lượng là gluxit. Phải tìm hiểu xem có rối loạn mỡ máu không để điều chỉnh lượng mỡ đưa vào, đồng thời tăng protein tối đa 20% tổng năng lượng. Tức là giảm bột đường và chất béo, chọn axit béo không no để tốt cho tim mạch, cơ thể hấp thu luôn, cải thiện được mỡ máu. Ngoài kiểm soát bằng thuốc, việc lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng. Hạn chế ăn thịt mỡ, đưa thêm lượng chất xơ vào cơ thể, chúng tôi yêu cầu bổ sung cả chất xơ hòa tan.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 6

Bạn đọc hỏi: Tôi là nữ, 35 tuổi, làm văn phòng, ít vận động, muốn giảm 3kg và thường xuyên bị táo bón. Bác sĩ có thể tư vấn chế độ ăn và luyện tập phù hợp không?

TS.BS. Chu Thị Tuyết: Nếu chúng ta lười vận động, nhu động ruột sẽ kém. Vì vậy, các bạn ngồi văn phòng cả ngày cần tranh thủ tối về tập thể dục. Nếu muốn giảm 3kg, phải cân bằng nguồn năng lượng đưa vào. Những người làm văn phòng sẽ cần năng lượng ít hơn người lao động chân tay. Đặc biệt người làm văn phòng hay ăn quà vặt hơn nên dư thừa năng lượng dễ tăng cân, thậm chí béo phì. Tôi vừa khám cho một bạn sau sinh 92kg. Vì vậy cần quản lý khẩu phần ăn và có những bài tập thể dục phù hợp.

Nếu chúng ta hay ăn thực phẩm chiên rán, chất béo không tốt sẽ dễ thừa cân. Bạn muốn giảm cân thì chắc chắn phải giảm năng lượng đưa vào. Nếu trước kia đang dùng 3.000 năng lượng/ngày thì giảm dần từ từ tới ngưỡng mà mình chịu đựng được, rồi giảm xuống 1.300-1.400, không được giảm đột ngột. Mỗi ngày giảm một chút việc ăn vặt. Nhưng dù cách nào cũng phải kiên trì tập luyện thể dục phù hợp với mình. Bạn thường xuyên táo bón thì cần xem lại lượng rau và lượng nước đã cung cấp đủ cho cơ thể chưa. Vì người làm văn phòng thường ngại đứng dậy uống nước dẫn đến thiếu nước, hay táo bón. Nếu những phương pháp tăng rau, tăng uống nước, tập thể dục đều đặn không cải thiện được tình trạng táo bón thì bạn cần nội soi kiểm tra hệ tiêu hóa.

MC: Thế nào là một chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng? Tỷ lệ các nhóm chất (carbohydrate, protein, chất béo) nên được phân bổ như thế nào trong khẩu phần ăn hàng ngày đối với người cao tuổi? Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư?

 PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Người cao tuổi, chị em phụ nữ ăn thiếu rau xanh là táo bón, ra ngoài ăn nhiều là rối loạn tiêu hoá, chế biến phải mềm hơn người trẻ để dễ ăn, dễ tiêu hoá. 

Nên chọn rau có màu xanh thẫm, củ quả màu vàng. Nên ăn thêm ngoài 3 bữa chính là 2 bữa phụ ăn đơn giản như sữa chua, sữa chua men sống, sữa chua uống, ăn, lợi khuẩn giúp cho đường tiêu hoá khoẻ, miễn dịch tốt, các lợi khuẩn cân bằng đóng góp 70% hệ miễn dịch cho cơ thể, không những bệnh tiêu hoá mà bệnh toàn thân cũng giảm.

Càng cao tuổi, trên 80 tuổi, trên 90 tuổi dễ gặp vấn đề táo bón nhiều hơn thì hay gặp vấn đề táo bón, uống thêm các loại trà đông y cũng rất tốt.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 7

MC: Trả lời thêm cho câu hỏi hiện nay có rất nhiều xu hướng ăn kiêng như keto, paleo, low-carb... Vậy những xu hướng này có thực sự tốt cho sức khỏe và phù hợp với tất cả mọi người không? Cần lưu ý gì khi áp dụng?

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Chế độ ăn keto nhiều chất béo, 70% là chất béo, gan làm việc nhiều dẫn đến bệnh tim mạch, thừa chất béo thừa cân, mỡ máu cao, gan khó chuyển hoá, vì vậy không nên ăn chế độ keto.

Chế độ ăn paleo, ăn thịt cá, hải sản, gia cầm, rau xanh, không có tinh bột tinh chế, không có các đậu đỗ,... Chế độ này cũng có những ưu điểm, nhưng phải có thực phẩm sạch, theo phương pháp oganic, không có chất trừ sâu, chất bảo quản. Không phải ai cũng nên theo chế độ paleo này.

Chế độ low-carb ít chất bột đường, tăng đạm thì tăng gánh nặng cho thận. Phụ nữ có thai không nên áp dụng chế độ này.

Chất bột đường có gluco nuôi tế bào não, ít chất bột đường thì có nhiều nguy cơ. Nếu thiếu thì suy nghĩ suy giảm, có những người ăn chế độ low-carb thì vẫn giảm được cân nhưng hay quên.

Vì vậy, nên ăn với tổng năng lượng phải thấp, ăn vào thấp hơn lượng tiêu hao. 

Khuyến nghị nên ăn cân đối, nếu ngại ăn thịt thì nên ăn bổ sung các loại đậu, sữa tươi, sữa đậu nành, đậu phụ, các loại hạt béo tốt: macca, óc chó, chế biến dầu thực vật,... phải ăn cân đối giữa các nhóm. Tổng năng lượng đảm bảo, không bị suy giảm trí nhớ, giảm cân được mà ít nguy cơ mắc bệnh. 

Để giảm cân thì chỉ cắt phần năng lượng mà vẫn phải đảm bảo lượng đạm, chất béo, chất xơ, vitamin.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 8
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và bà Lê Quỳnh Trang tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô tặng hoa cho PGS.TS Nguyễn Thị Lâm và TS.BS. Chu Thị Tuyết khi kết thúc phần giao lưu với độc giả.
24/12/2024 15:19

Chương trình chuyển sang phần giao lưu với bà Trần Thị Minh NguyệtTrưởng ban Gia đình – xã hội, Hội LHPN Hà Nội và BS Đỗ Nam Khánh – Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam.

MC hỏi: Thưa bà, được biết trong thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm tư vấn cũng như khuyến khích cán bộ hội viên phụ nữ nói riêng, người dân nói chung quan tâm đến chăm lo sức khỏe, lựa chọn thực phẩm và dinh dưỡng cân bằng.

Trần Thị Minh Nguyệt:  Từ đầu đến giờ, chúng ta được nghe 3 bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ về cách lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 9
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng ban Gia đình – xã hội, Hội LHPN Hà Nội chia sẻ tại chương trình.

Đối với Hội LHPN Hà Nội, thời gian qua, Hội đã tổ chức sâu rộng trong đội ngũ cán bộ hội viên phụ nữ về nâng cao nhận thức trong an toàn thực phẩm, hướng dẫn cán bộ hội viên phụ nữ lựa chọn thực phẩm an toàn trên các nền tảng tuyên truyền của Hội, Báo Phụ nữ Thủ đô, các kênh thông tin tuyên truyền của Hội. Hội và các cấp Hội tổ chức các Hội thi nấu ăn như “Món ngon gia đình”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”… huy động các thành viên trong gia đình tham gia như chồng, con, nam giới… để từ đó, nâng cao nhận thức trong lựa chọn thực phẩm, cách sắp xếp bữa cơm đủ dinh dưỡng, gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, các cấp Hội cũng chỉ đạo thực hiện các mô hình trong vệ sinh an toàn thực phẩm như Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong vệ sinh an toàn thực phẩm; nói không với thực phẩm không an toàn; hướng dẫn phụ nữ cách lựa chọn thực phẩm sạch; đưa ra những địa chỉ mua rau củ quả sạch, an toàn, hữu ích. Hiện tại, chúng tôi có gần 1.600 mô hình tại các địa bàn quận huyện trên toàn Thành phố...

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Công ty Ajinomoto thực hiện chương trình “Ajinomoto ơi, hôm nay ăn gì?” được livetream trực tiếp trên nền nảng facebook mỗi tháng 1 lần, hướng dẫn các hội viên phụ nữ, các bà nội trợ nấu những món ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng cho gia đình...

Mỗi phụ nữ, hãy là những người thông thái, thông minh trong tiêu thụ sản phẩm an toàn cho sức khoẻ!

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 10
BS Đỗ Nam Khánh – Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam trả lời câu hỏi giao lưu tại chương trình.

MC hỏi: Thưa BS Đỗ Nam Khánh, vấn đề lựa chọn thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng trong lĩnh vực đông y có những nguyên tắc cơ bản nào về dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm? (Ví dụ như sự cân bằng âm dương, ngũ hành, hay tính hàn, nhiệt...)?

BS Đỗ Nam Khánh: Dinh dưỡng học cổ truyền khuyên con người ta phải “bình hành thiện thực”, cũng giống như y học hiện đại, trong Đông y cũng cần ăn uống phải cân bằng. Cân bằng ở đây nghĩa là cân bằng giữa số lượng và chất lượng; giữa ngũ cốc (lương thực), ngũ súc (thị cá), cân bằng về ngũ thái (các loại rau), cân bằng về ngũ quả (các loại quả), cân bằng về tính hàn nhiệt (âm dương)… Tuy nhiên, Đông y không định lượng cụ thể bao nhiêu gam.

Phần giao lưu tiếp tục câu hỏi dành cho bà Trần Thị Minh Nguyệt:

MC hỏi: Theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ thường đảm nhận vai trò chính trong việc chuẩn bị bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, vai trò này đang dần thay đổi. Vậy theo bà, làm thế nào để phân chia công việc nấu nướng một cách hợp lý và công bằng giữa các thành viên trong gia đình? Ở gia đình của mình thì sao, thưa bà?

Bà Trần Thị Minh Nguyệt: Như chúng ta đã biết, trước đây, người phụ nữ là người đảm nhiệm chính trong việc chuẩn bị bữa ăn gia đình. Trong xã hội hiện đại, xu hướng này đang thay đổi dần. Người phụ nữ ngày nay cũng đã tham gia những công việc của nam giới, đồng thời nhận thức của nam giới cũng dần thay đổi nên trong gia đình dần có sự chia sẻ làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn. Để phân chia công việc nấu nướng một cách hợp lý và công bằng giữa các thành viên trong gia đình, cha mẹ cần phải dạy nấu ăn cho cả con trai và con gái.

Nếu người phụ nữ đảm nhận vai trò chính về chuẩn bị bữa ăn trong gia đình mà không có sự chia sẻ từ người chồng thì sẽ rất vất vả. Vì thế, người cha cần cùng với vợ chia sẻ việc nấu nướng các bữa ăn gia đình để làm gương cho con.  Trong gia đình tôi có 2 con trai vì thế tôi luôn chú trọng hướng dẫn các con nấu cơm để các con hiểu nam giới cũng cần biết nấu ăn để chủ động lo được cuộc sống của mình, có kiến thức hiểu biết về dinh dưỡng để chăm sóc bản thân và không tạo nên gánh nặng cho người phụ nữ. Điều quan trọng mà tôi mong muốn ở các con là các con biết chia sẻ trong việc chuẩn bị bữa ăn trong gia đình. 

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 11
Khán giả theo dõi phần trả lời của các chuyên gia giao lưu.

Khán giả hỏi: Nhờ bác sĩ chia sẻ công dụng của gừng vì nhà tôi hay dùng, dùng gừng mùa lạnh như nào tốt nhất, người cao tuổi, huyết áp cao thì sử dụng thế nào?

BS Đỗ Nam Khánh: Mỗi ngày 2 lát gừng là tốt nhất ạ. Thực ra gừng có tính ấm, tăng dương khí. Tuy nhiên, khi sử dụng thì mọi người cũng nên chú ý thay đổi của cơ thể. Dùng gừng với 1 chút muối trước khi đi ngủ có tác dụng tốt, tuy nhiên nếu một thời gian mà đi ngoài có dấu hiệu táo bón thì nên dừng lại. Có với bệnh nhân huyết áp cao, nếu do thận âm hư thì không nên dùng gừng còn thận dương hư thì dùng được.

Khán giả hỏi: Theo bác sĩ, yếu tố tinh thần có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng theo quan điểm của Đông y?

BS Đỗ Nam Khánh: Trong Đông y cho rằng, tâm bình khí hòa, khí là dẫn huyết, lực đẩy. Khí thuộc dương, huyết thuộc âm, khí thúc đẩy huyết vận hành, huyết đi kéo theo khí, nếu khí không thúc đẩy huyết sẽ ngừng lại gây ứ huyết.

Khi mà tâm lý căng thẳng, stress kéo dài thì khí trệ, huyết ứ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng ta cũng tự nhận thấy thực tế khi có việc lo lắng thì chẳng muốn ăn uống gì.

Vì vậy, tâm lý rất quan trọng, khi con người thoải mái, giúp cho việc tiêu hóa, hoạt động của lục ngũ phủ tạng của tất cả các cơ quan trong cơ thể được tốt hơn.

Trực tiếp Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình“ - ảnh 12
Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu tại chương trình.

Buổi tọa đàm "Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình" kết thúc. Cùng với sự chia sẻ của các chuyên gia, khách mời, mỗi người đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng bữa ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, lựa chọn chế độ ăn phù hợp với từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền. Ngoài dinh dưỡng, cần kết hợp chế độ ăn uống khoa học với vận động thể chất thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Với những kiến thức đã được trang bị, mỗi gia đình sẽ có những bữa ăn lành mạnh, góp phần mang đến một mùa Tết an lành và khỏe mạnh cho cả gia đình.

 

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/truc-tiep-chuong-trinh-giao-luu-truc-tuyen-lua-chon-thuc-pham-bua-an-can-bang-dinh-duong-cho-gia-dinh-a195774.html