Đưa hối lộ góp phần tạo ra cơ chế xin – cho
Chiều 25/12, sau khi kết thúc phần bào chữa với các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu", đại diện VKS đã tiến hành đối đáp. Cơ quan công tố nhấn mạnh việc đã cân nhắc bối cảnh, hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đồng thời đối chiếu với mức án của giai đoạn 1 để đề nghị mức án có cơ sở pháp lý.
Xét hành vi và số tiền hưởng lợi của bị cáo Trần Tùng - cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, VKS nhấn mạnh số tiến mà bị cáo Tùng hưởng lợi chính là số tiền mà người dân bị thiệt hại. Do đó không có căn cứ xem xét giảm mức đề nghị.
Về bị cáo Lê Ngọc Tường - cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố, VKS đề nghị HĐXX xem xét.
Ngoài ra, VKS đã phản đối quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH PNR (bị đề nghị từ 2-3 năm tù về tội Đưa hối lộ) rằng hành vi của bị cáo là không đáng kể.
Theo phân tích của VKS, bị cáo Thắng đã đưa số tiền rất lớn cho những người có thể nhờ xin được văn bản cấp phép đưa công dân về nước.
Điều này tạo tiền lệ xấu, tạo ra cơ chế xin – cho, tạo điều kiện cho người có thẩm quyền nhận hối lộ, khiến người dân phải chi trả số tiền lớn. VKS khẳng định đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn.
"Vết nhơ trong suốt cuộc đời bị cáo"
Sau khi lắng nghe phần tranh luận, HĐXX cho 17 bị cáo trong vụ được nói lời sau cùng, trước khi bước vào nghị án.
Là người đầu tiên bước lên nói lời sau cùng, bị cáo Trần Tùng - cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên mong nhận được sự khoan hồng như các bị cáo ở giai đoạn 1 mà có hành vi tương tự.
Ông Tùng cũng gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. "Tôi đã rèn luyện và trưởng thành trong môi trường công chức, nhưng do nhận thức sai lầm, thiếu hiểu biết mà phá hỏng tất cả", bị cáo bày tỏ ân hận.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Văn Văn - cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xin chịu trách nhiệm trước những sai phạm của bản thân, đồng thời gửi lời xin lỗi nhân dân tỉnh Quảng Nam và các đồng nghiệp trong ngành y tế.
Theo ông Văn, hành vi của bản thân đã phần nào ảnh hưởng những người Việt về cách ly tại địa phương. Với 35 năm làm bác sĩ, bị cáo mong muốn được tiếp tục có cơ hội được chăm lo sức khỏe cho người dân tại địa phương.
Một Phó giám đốc sở ở Quảng Nam cũng bị xét xử về tội Nhận hối lộ trong vụ án này là ông Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam) cho biết bản thân luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công, luôn cố gắng hết mình cho công việc.
Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, bị cáo luôn cố gắng thực hiện nhiệm vụ, đưa công dân về nước cách ly tại địa phương. "Điều nuối tiếc nhất là đã nhận tiền của đại diện doanh nghiệp, bị cáo đã thấm thía sai phạm", ông Tường giãi bày.
Đặc biệt, trong lời nói sau cùng, bị cáo Tường cũng nhắc tới việc bản thân đã chủ động đến CQĐT đầu thú, khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động nộp lại số tiền nhằm khắc phục hậu quả.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong HĐXX cân nhắc, xem xét bối cảnh, các tình tiết giảm nhẹ để cho họ được hưởng sự khoan hồng.
Được tự bào chữa trong hơn 2 phút, bị cáo Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ công an) thừa nhận hành phạm tội của mình và nói rằng đây là vết nhơ theo suốt cuộc đời của bị cáo.
Bị cáo Thông cho rằng chỉ vì nể nang nên mới dẫn đến hành vi phạm tội, như vậy là mất hết tất cả trong nhiều năm phấn đấu ở lực lượng công an. Theo trình bày của bị cáo, trước khi ngồi ở phòng xét xử, ông đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều.
"Bị cáo đã để lại những vết nhơ trong cuộc đời, nói chung là rất buồn. Bị cáo xin HĐXX, VKS mở lòng bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, tái sinh lại cuộc đời", bị cáo bày tỏ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-bay-giai-cuu-cuu-can-bo-cong-an-mong-tai-sinh-lai-cuoc-doi-a195796.html