Sự kiện có sự đồng hành của các đối tác quan trọng như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam, cùng nhiều Trường Đại học và doanh nghiệp…
Sự kiện cũng quy tụ nhiều lãnh đạo, chuyên gia, tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và học sinh, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường cơ hội trong lĩnh vực STEM cho phụ nữ và trẻ em gái.
Theo đánh giá của cán bộ Chương trình Phụ nữ, Hoà Bình và An ninh của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ - UN Women tại Việt Nam: “Năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và đóng góp khoảng 0,5% vào GDP.
Sau hơn 20 năm, nguồn nhân lực này đã vượt quá 1 triệu người và đóng góp tới 14,3% GDP. Theo dự báo, đến năm 2030, đất nước cần 2,5 triệu nhân lực để phục vụ chuyển đổi số. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)”.
Phụ nữ Việt Nam ở đâu trong tương lai số này? - đại diện Chương trình Phụ nữ, Hoà Bình và An ninh của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ - UN Women tại Việt Nam đề cập: “Báo cáo thị trường nhân lực CNTT năm 2020" của VietnamWorks InTECH cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 11% trong số những người theo học Công nghệ thông tin.
Dữ liệu từ Đại học Công nghệ thông tin năm 2019 minh họa thêm rằng sinh viên nam chiếm gần 80% (1.430 sinh viên) so với chỉ hơn 20% sinh viên nữ (Đăng Nguyên, Thanh Niên Online, 2019).
Tương tự, tại Đại học Công nghệ, có 4.273 sinh viên nam nhưng chỉ có 1.150 sinh viên nữ, nghĩa là hơn 78% sinh viên nam so với 22% sinh viên nữ.
Ngược lại, tại Đại học Công nghệ thông tin, cứ 9 sinh viên nam thì chỉ có một sinh viên nữ theo học (Thanh Niên Online, 2019). Nam giới Việt Nam cũng thường chọn kỹ thuật (20,8%) và thông tin, truyền thông và công nghệ (18,6%). Tuy nhiên, ít hơn 10% phụ nữ Việt Nam được khảo sát theo đuổi hai lĩnh vực này.
Sự chênh lệch giới tính này phản ánh những thách thức mang tính hệ thống rộng lớn hơn từ những định kiến ngăn cản trẻ em gái theo đuổi giáo dục STEM đến những rào cản về mặt cấu trúc hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động công nghệ.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được triển khai, tập trung vào phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển Chính phủ, nền kinh tế và xã hội số, nhu cầu thu hẹp khoảng cách giới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong khuôn khổ diễn đàn, tọa đàm bàn về “Tương lai số: Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam trong STEM” đã thu hút được đông đảo chuyên gia và khán giả theo dõi. Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều khách mời: Ông Lê Huy Nam – Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo TƯ; bà Trần Đạo Hạnh – Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia NSSC – Bộ Khoa học Công nghệ; ông Phạm Tuấn Hiệp – Quỹ BKFund; bà Uyên Trần – Đồng sáng lập STEAM for Vietnam; bà Đào Lan Hương – Công ty Công nghệ TEKY; bà Nguyễn Thị Lan Anh – GĐ Công ty Hitachi Energy Việt Nam; cô Nguyễn Thị Hồng – Trưởng khoa Điện – Điện tử CĐ Công nghệ Cao HN; Ngọc Anh – sinh viên trường Cơ khí – Đại học Bách Khoa Hà Nội…
Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia cùng phân tích bối cảnh hiện tại, hiểu các rào cản và thách thức, nhận ra các cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành công nghiệp và giáo dục dựa trên STEM. Đây cũng là về việc khám phá các con đường, sáng kiến và đổi mới để vượt qua những trở ngại này.
Nhiều chuyên gia đã cùng đưa ra những giải pháp hành động, hướng tới mục tiêu xây dựng “hành trình cao tốc” trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để theo kịp các lĩnh vực STEM đang phát triển nhanh chóng.
Các giải pháp tập trung xoay quanh câu chuyện đào tạo, nâng cao kỹ năng, cung cấp các cơ hội cố vấn và thực tập, đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận các học bổng, chương trình ươm tạo khởi nghiệp, thúc đẩy các quy trình tuyển dụng không phân biệt đối xử và tạo môi trường thuận lợi cho sự thành công của họ trong các ngành công nghiệp và giáo dục STEM.
Các chuyên gia đều khẳng định, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong STEM không chỉ là vấn đề bình đẳng, mà còn là chất xúc tác cho sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thuc-day-phu-nu-va-tre-em-gai-tham-gia-vao-giao-duc-va-viec-lam-stem-a196344.html