Chương trình được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm (Hà Nội) nhằm giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, đưa di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đến gần hơn với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phát biểu tại khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc chia sẻ: Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lĩnh vực văn hóa được xác định là một trong những ngành chủ lực, các giá trị văn hóa không chỉ là nền tảng, mục tiêu, động lực cho sự phát triển đất nước trong thời kì hội nhập, toàn cầu hóa mà còn là nền tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch, văn hóa nói riêng phát triển bền vững, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa là yêu cầu cấp thiết để cho quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa của mình.
Tính đến năm 2024, Việt Nam đã 5 lần được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng danh hiệu là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, danh hiệu này là động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá thu hút khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp đất nước và các giá trị di sản văn hóa lâu đời, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Chương trình giới thiệu những giá trị nổi bật của hai Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, bao gồm "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm".
Đặc biệt, bên cạnh các hoạt động trưng bày, Trung tâm Thông tin du lịch cũng mời nghệ nhân từ các địa phương đến giao lưu, trình diễn về hai Di sản văn hóa phi vật thể này, tạo cơ hội cho du khách và cộng đồng hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và du khách gắn với mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Thông qua chương trình, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, các Hiệp hội du lịch và cộng đồng sẽ chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản đưa di sản trở thành vốn quý để quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm giá trị quý báu của văn hóa dân tộc", Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Đây cũng là dịp mở rộng giao lưu văn hóa giữa các địa phương có Di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông các Di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc; triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Then là một hình thức nghệ thuật dân gian, là biểu hiện của tín ngưỡng truyền thống. Thực hành Then là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã phát triển lâu dài trong lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm.
Minh Thúy
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gioi-thieu-di-san-van-hoa-phi-vat-the-gan-voi-phat-trien-du-lich-vung-dong-bao-dan-toc-a196460.html