Đây là nội dung được đưa ra trong hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em/sức khoẻ sinh sản năm 2024, định hướng nhiệm vụ năm 2025 do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức ngày 20/12 vừa qua.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Năm 2024 là một năm đầy khó khăn, với những biến động trên toàn cầu về kinh tế, chính trị, an ninh, cùng nhiều thách thức trong đời sống xã hội, bao gồm cả lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn và thử thách, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/Sức khỏe sinh sản trên toàn quốc đã nỗ lực không ngừng, phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế chung để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và Bộ Y tế giao phó. Những kết quả này không chỉ góp phần ổn định và phát triển ngành Y tế mà còn đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của đất nước.
Mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản tiếp tục được củng cố và phát triển, công tác quản lý, điều hành ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính toàn diện.
Quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường; sự phối hợp, lồng ghép giữa hoạt động quản lý nhà nước với các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Hoạt động chỉ đạo chuyên môn và giám sát hỗ trợ kỹ thuật cũng được đẩy mạnh, giúp đạt được những chỉ tiêu chuyên môn quan trọng như chăm sóc trước, trong và sau sinh, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng thấp còi.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã vượt mức chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Y tế. Công tác truyền thông cũng được chú trọng, với các sự kiện được tổ chức quy mô và hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, thành tựu mà mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản đã đạt được trong năm 2024. Thành công này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, kinh tế suy thoái, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, và đời sống của cán bộ y tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Bên cạnh những thành tựu, trong tình hình mới, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản đặt ra các vấn đề mới, các thách thức lớn như trong 5 năm qua, tỷ suất tử vong mẹ giảm chậm, dao động 44-45/100.000 trẻ đẻ sống, với sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, đặc biệt ở dân tộc thiểu số cao gấp 6-8 lần người Kinh. Suy dinh dưỡng trẻ em cải thiện nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn cao ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi thừa cân, béo phì gia tăng ở đô thị.
Mục tiêu giảm thấp còi dưới 15% vào năm 2030 theo Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 là thách thức lớn. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh không lây nhiễm như ung thư vú, cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ đang gia tăng. Nguồn nhân lực sản, nhi thiếu hụt, hạn chế chuyên môn, nhất là ở y tế cơ sở vùng sâu, xa; ngân sách đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống thông tin trong lĩnh vực này đòi hỏi nỗ lực lớn và sự phối hợp từ trung ương đến địa phương.
Những thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp, hành động quyết liệt hơn, triển khai các can thiệp chuyên môn cụ thể từng vùng đạt hiệu quả tốt hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/Sức khỏe sinh sản trong gian tới.
Năm 2025 dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do biến động kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, nguy cơ dịch bệnh mới nổi, cùng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản. Đây là năm cột mốc phải hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đồng thời xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030. Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị toàn mạng lưới cần tập trung ưu tiên thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân:
Một là, rà soát, cập nhật và xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản, đảm bảo tuân thủ quy định mới của pháp luật như là Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các chương trình quốc gia như dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, giảm tử vong mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng ở vùng khó khăn và dân tộc thiểu số;
Hai là, tăng cường đào tạo cán bộ sản, nhi các cấp; cải thiện chất lượng dịch vụ kỹ thuật y tế; duy trì và hỗ trợ vai trò cô đỡ thôn bản tại vùng khó khăn; nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát các cơ sở y tế địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tuân thủ các quy trình chuyên môn, giảm sai sót, hạn chế khiếu nại và duy trì giám sát nội bộ nghiêm túc;
Ba là, đẩy mạnh các chương trình sàng lọc ung thư đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, công nhân lao động theo các đề án đã duyệt; tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng và kết hợp hiệu quả các nguồn lực quốc tế và trong nước, tối ưu hóa kinh phí, lồng ghép các chương trình mục tiêu và dự án;
Bốn là, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối hệ thống y tế và chia sẻ dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách; mở rộng trong toàn quốc đối với hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em đã thực hiện thí điểm thành công tại 7 tỉnh.
Đặc biệt, đối với Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, ngoài các nhiệm vụ chung đã nêu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Vụ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động xây dựng, hoàn thiện và triển khai các văn bản pháp luật, trước mặt tập trung vào Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các Thông tư hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em để triển khai đồng bộ; đồng thời tích cực tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học, phối hợp với bệnh viện đầu ngành và hội nghề nghiệp để ban hành hướng dẫn chuyên môn, chiến lược can thiệp, nhằm giảm bệnh tật, suy dinh dưỡng và tử vong, thu hẹp khoảng cách sức khỏe giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nam-2025-can-tiep-tuc-tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-ba-me-va-tre-em-a196462.html