Mục tiêu trở thành Khu du lịch cấp quốc gia
Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Sơn La, vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La được định hướng trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ rà soát, điều chỉnh quy hoạch đến ban hành cơ chế, chính sách mới, với trọng tâm là thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Với hơn 10.500ha mặt nước lòng hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao hùng vĩ và hệ thống đảo nổi, đảo chìm tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, Quỳnh Nhai được ví như "Vịnh Hạ Long" của vùng Tây Bắc.
Phát huy lợi thế thiên nhiên, huyện đã hoàn thiện quy hoạch, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Hiện nay, Quỳnh Nhai đã phát triển 7 điểm du lịch bài bản, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Hệ thống lưu trú bao gồm 8 cơ sở, từ khách sạn đến homestay và nhà nghỉ, mang đến những trải nghiệm đa dạng.
Trong năm 2024, huyện đã đón hơn 155.000 lượt khách, thu về trên 60 tỷ đồng doanh thu từ du lịch. Hướng tới mục tiêu năm 2025, Quỳnh Nhai đặt kỳ vọng thu hút 250.000 lượt khách và đạt tổng thu 120 tỷ đồng, với chiến lược tập trung vào các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái và nghỉ dưỡng, mang đậm bản sắc vùng sông nước.
Các sản phẩm du lịch nổi bật đã hình thành gồm Điểm du lịch Pá Uôn Ecolakes, đảo Trái Tim, vịnh Bình Yên, Đảo Pú Dăn, khu du lịch văn hóa tâm linh Quỳnh Nhai, khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, cùng các điểm du lịch cộng đồng như bản Bon.
Những điểm đến này không chỉ khai thác vẻ đẹp thiên nhiên mà còn tôn vinh sự đa dạng văn hóa của 7 dân tộc đang sinh sống tại đây, tạo nên sức hút đặc biệt cho du khách trong và ngoài nước.
Song song với đó, huyện Thuận Châu cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu du lịch đèo Pha Đin – một trong "tứ đại đỉnh đèo" nổi tiếng của Việt Nam.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nghiêm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, khu vực này đã được quy hoạch chi tiết, hiện đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trên đỉnh đèo để tăng sức hấp dẫn.
Các sản phẩm du lịch mới tại đây được định hướng đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Không chỉ dừng lại ở du lịch cảnh quan, Sơn La còn tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm. Là tỉnh đứng thứ hai cả nước về sản lượng nông nghiệp với 12/14 nông sản chủ lực quốc gia, Sơn La đang xây dựng các điểm du lịch cà phê kết hợp thưởng thức đặc sản cà phê arabica trứ danh.
Những trải nghiệm gắn liền với nông nghiệp sinh thái, văn hóa bản địa và đặc sản địa phương được kỳ vọng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đột phá, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Sơn La.
Dù vậy, theo ông Hoàng Chí Thức – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La, tiềm năng du lịch lớn nhưng sản phẩm vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
Ông nhấn mạnh rằng công tác quy hoạch cần được thực hiện sát thực tế hơn, nhằm khai thác triệt để tiềm năng từng khu vực, tạo ra các điểm đến hấp dẫn và những sản phẩm du lịch xứng tầm với vị thế của tỉnh.
"Hiến kế" phát triển du lịch
Các chuyên gia và các doanh nghiệp lữ hành đều đồng tình rằng, để phát triển du lịch bền vững tại Quỳnh Nhai và Thuận Châu, cần có những giải pháp sáng tạo và chiến lược dài hạn.
TS. Trần Thị Ngân Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chuyển giao ứng dụng công nghệ và phát triển du lịch cộng đồng bền vững (TTSC), chia sẻ rằng các điểm du lịch tại đây vẫn còn nhiều hạn chế.
Một trong những vấn đề lớn là ý thức bảo vệ môi trường, khi trên các con đường du lịch vẫn còn rác nilon, điều này đòi hỏi sự tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên.
Bà Giang cũng nhấn mạnh rằng, trong khi Quỳnh Nhai có nhiều bản làng của người Mông và người Thái, thì sự hiện diện của những ngôi nhà xây bằng gạch và người dân mặc trang phục hiện đại khiến không gian văn hóa truyền thống không còn đậm đà như kỳ vọng.
"Sơn La cần học hỏi từ Hà Giang, nơi người dân vẫn giữ nguyên lối sống truyền thống, từ nhà ở đến trang phục, điều này chính là yếu tố thu hút du khách", bà Giang nói.
Đồng quan điểm, một vấn đề khác mà ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng du lịch Hitech cũng lưu ý rằng, để phát triển du lịch hiệu quả, Quỳnh Nhai và Thuận Châu cần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là của người Thái. Các điểm dịch vụ du lịch nên xây dựng nhà sàn truyền thống thay vì khách sạn bê tông cốt thép.
"Du khách châu Âu khi đến Việt Nam, không cần chỗ ở sang trọng. Họ tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa đích thực và ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ", ông Dũng chia sẻ.
Một vấn đề khác mà ông Dũng đề cập là sự bão hòa của các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch. Mặc dù các sản phẩm này có bao bì đẹp và chất lượng, nhưng khi chúng xuất hiện quá nhiều, du khách sẽ cảm thấy thiếu sự độc đáo.
Ông khuyến nghị rằng, những đặc sản như khoai sọ, trái cây, và hoa đào vốn là những sản phẩm nổi tiếng của Sơn La – cần được làm nổi bật và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ nhu cầu của du khách.
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Travel cũng chia sẻ một quan điểm, du khách hiện nay rất chú trọng đến yếu tố bền vững trong du lịch, đặc biệt là việc giảm phát thải carbon.
Vì vậy, việc hạn chế sử dụng vật liệu xây dựng như sắt thép và gạch ngói tại các khu vực thiên nhiên là điều cần thiết.
Ngoài ra, ông Tùng cũng đề xuất một giải pháp truyền thông sáng tạo, khi mỗi người dân tại các bản làng có thể trở thành những "đại sứ du lịch" của chính mình.
"Hãy tổ chức các khóa đào tạo về quay video, làm YouTube, TikTok cho người dân trong các thôn bản. Thay vì chỉ nói rằng Quỳnh Nhai rất đẹp thì hãy cung cấp cho du khách những gì họ thực sự cần và thích", ông Tùng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-gia-goi-mo-huong-di-cho-du-lich-long-ho-son-la-a196551.html