Biến động quan trọng trong bức tranh năng lượng ở châu Âu

Với việc tiếp cận khí đốt Nga giá rẻ qua đường ống thêm phần hạn chế, nhu cầu của châu Âu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn sẽ tăng lên.

Vào ngày đầu năm mới, hoạt động xuất khẩu khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu đã chính thức kết thúc sau khi Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển với gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của Moscow.

Đây là lần đầu tiên trong 60 năm dòng khí đốt này ngừng chảy, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong bức tranh năng lượng ở "cựu lục địa", định hình lại sự phụ thuộc năng lượng của châu lục này.

Với việc tiếp cận khí đốt Nga giá rẻ qua đường ống thêm phần hạn chế, nhu cầu của châu Âu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn được vận chuyển bằng tàu biển từ các nhà cung cấp như Mỹ sẽ tăng lên.

Biến động quan trọng trong bức tranh năng lượng ở châu Âu- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gợi ý rằng EU có thể tìm cách thay thế khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga bằng hàng từ Mỹ. Ảnh: Egypt Oil&Gas

Mặc dù biến động nguồn cung này đã được các quốc gia châu Âu dự đoán và chuẩn bị từ lâu, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó đến các nơi là khác nhau.

Các quốc gia như Slovakia và Áo, vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine, đã đảm bảo các nguồn thay thế từ Đức, Hungary và các lô hàng LNG nhập khẩu.

Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt Nga qua đường ống TurkStream chạy dưới Biển Đen, bỏ qua Ukraine.

Trong khi đó, vùng ly khai Transnistria của Moldova phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hệ thống sưởi ấm và nước nóng ngay lập tức, làm nổi bật các điểm yếu cục bộ.

Liên minh châu Âu (EU) đã tăng đáng kể năng lực nhập khẩu LNG kể từ năm 2022, tăng cường khả năng thay thế khí đốt Nga đến qua đường ống.

Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – tái khẳng định rằng cơ sở hạ tầng khí đốt hiện đủ mạnh để quản lý nguồn cung không phải của Nga. Sự đa dạng hóa này phản ánh sự thay đổi lớn hơn, với Na Uy, Qatar và Mỹ đang lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Nga để lại.

Đối với Nga và Ukraine, tổn thất tài chính là rõ ràng. Gazprom sẽ mất khoảng 5 tỷ USD hàng năm do doanh số giảm, trong khi Ukraine mất tới 1 tỷ USD phí trung chuyển.

Để bù đắp cho khoản lỗ này, Ukraine đã tăng thuế truyền tải khí đốt trong nước, gây thêm áp lực cho các ngành công nghiệp địa phương.

Nhưng đối với Ukraine, việc chấm dứt trung chuyển khí đốt Nga có ý nghĩa chiến lược. Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi đây là một chiến thắng địa chính trị, nhấn mạnh sự suy giảm ảnh hưởng của Moscow.

Chính phủ Ukraine đã định vị quyết định này là một phần trong nỗ lực chung của châu Âu nhằm cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga.

Các quốc gia EU đã cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga từ 40% xuống dưới 10% kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, tăng cường nhập khẩu LNG, đồng thời đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Do đó, ngoài những tổn thất và biến động, cơ hội lớn hơn cũng đến với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ.

Ông Zelensky đã kêu gọi Mỹ tăng cường cung ứng LNG để tận dụng sự thay đổi này. Nhưng điều này sau đó có thể thúc đẩy nhu cầu về LNG Mỹ tăng cao hơn vào năm 2025, thắt chặt thị trường LNG toàn cầu.

Minh Đức (Theo FX Empire, GZero Media)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khả năng cơ động tuyệt vời của hệ thống tên lửa chống hạm RBS15 Mk3Khả năng cơ động tuyệt vời của hệ thống tên lửa chống hạm RBS15 Mk3
Tham khảo thêm
Hệ thống phòng không HAWK lấp đầy “những khoảng trống quan trọng” trên bầu trờiHệ thống phòng không HAWK lấp đầy “những khoảng trống quan trọng” trên bầu trời

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bien-dong-quan-trong-trong-buc-tranh-nang-luong-o-chau-au-a197047.html