Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chiều 8/1, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra Dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo quyết định được công bố, thời kỳ thanh tra 2 dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2024; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc (không kể Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đoàn Thanh tra có 11 thành viên, trong đó, ông Ngô Đình Long, Phó Vụ trưởng Vụ III của Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Kết luận thanh tra 2 dự án bệnh viện có trước ngày 31/3
Trước đó, chiều 31/12/2024, tại cuộc họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu có kết luận thanh tra với 2 dự án bệnh viện trên trước ngày 31/3/2025 và triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện vào hoạt động, không thể để kéo dài hơn nữa.
Dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đã được Nhà nước đầu tư hàng chục năm, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Đây là điển hình về tình trạng lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến.
Từ cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức được khởi công xây dựng tại TP Phủ Lý (Hà Nam), với kỳ vọng đây sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay.
Theo dự kiến, giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 2/2016 với việc đưa Khoa Khám bệnh ngoại trú 200 giường bệnh đi vào hoạt động.
Đến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng toàn bộ 2 bệnh viện, với quy mô 1.000 giường bệnh/bệnh viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở khoảng hơn 4.500 tỷ đồng.
Sau 4 năm xây dựng, tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả 2 cơ sở này được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ tạm dừng ở cắt băng khánh thành, chưa tiếp nhận bệnh nhân
Liên quan đến 2 dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 đang bỏ hoang, lãng phí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp thường kỳ sáng 9/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trong 6 tháng tới phải hoàn thành đưa vào sử dụng 2 bệnh viện này.
Cho rằng không thể để các công trình lãng phí "trơ gan cùng tuế nguyệt" các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị sớm đưa 2 dự án bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 vào sử dụng.
"Những dự án cụ thể này cần sớm có lời giải, không thể để công trình lãng phí "trơ gan cùng tuế nguyệt". Vì còn rất nhiều dự án khác đang trong tình cảnh tương tự nên giải quyết được chỗ này sẽ có phương án cho các dự án khác", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An góp ý.
Rà soát, giải quyết dứt điểm các dự án lãng phí trong quý I
Rất sốt ruột trước tình trạng lãng phí, Tổng Bí thư đã yêu cầu phải coi phòng, chống lãng phí đúng bản chất ngang hàng với tham nhũng, tiêu cực.
Các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm phải được chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm theo đúng tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.
"Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân", Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, tại cuộc họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo vào cuối năm 2024, Tổng Bí thư lưu ý tập trung 3 lĩnh vực chống lãng phí gồm: lĩnh vực đất đai; môi trường, tài nguyên khoáng sản và tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư nước ngoài...
Ban Chỉ đạo yêu cầu trong năm 2025 khẩn trương hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí; xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mới, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí cả ở Trung ương và địa phương.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc rà soát và có giải pháp giải quyết dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Báo cáo Ban Chỉ đạo kết quả rà soát trong Quý I/2025.
Nội dung nữa là, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Trước thực trạng lãng phí lớn quá, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra vào cuối tháng 12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói, cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn về nhận diện lãng phí, cũng như phòng, chống lãng phí.
Ông gợi ý, trong chương trình thanh tra năm 2025, chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết lại, trở thành hướng dẫn chung.
Ngay sau bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí vào tháng 10/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí. Tới nay, cơ bản các Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh cũng đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí theo quy định của Ban Bí thư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 17/12/2024 cũng đã ký Quyết định số 1579 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo Báo Thanh Tra
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cong-bo-quyet-dinh-thanh-tra-2-du-an-benh-vien-bach-mai-viet-duc-co-so-2-a197576.html