Trong thông cáo báo chí ngày 10/1, Bộ Quốc phòng Nga đã nêu bật những thành tựu quan trọng của lực lượng mình trên mặt trận Ukraine trong tuần qua.
Đáng chú ý, Moscow đã nhấn mạnh đến vụ bắn hạ một chiếc MiG-29 của Ukraine bởi một máy bay phản lực chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết nào về vụ việc được công bố.
Theo trang Bulgarian Military, xác nhận từ Bộ Quốc phòng Nga phù hợp với các báo cáo từ ngày 5/1, khi cảnh quay xuất hiện cho thấy một chiếc MiG-29 đang cố gắng né tránh một tên lửa đang bay tới. Video kết thúc trước khi tên lửa va chạm mục tiêu.
Tuyên bố hôm 10/1 của phía Nga dường như xác nhận số phận chiếc MiG-29 nói trên nhưng giữ kín thông tin chi tiết về loại máy bay phản lực cũng như loại tên lửa mà họ dùng để hạ máy bay đối phương.
Trang Bulgarian Military có liệt kê một số loại tên lửa không đối không Nga sở hữu có khả năng thực hiện nhiệm vụ này.
Một trong những ứng cử viên có khả năng nhất là R-73, một tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, có khả năng tấn công mục tiêu ở góc dốc. Tên lửa này thường được sử dụng trong các cuộc không chiến quần vòng cự ly ngắn (dogfight).
Một tên lửa tiềm năng khác là R-77, một tên lửa tầm trung có đầu tự dẫn radar chủ động. Đây là loại tên lửa tương đương của Nga với AIM-120 AMRAAM của Mỹ và được thiết kế cho tầm xa hơn, có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn.
Nga cũng có các mẫu cũ hơn như R-27, với nhiều biến thể, bao gồm các phiên bản dẫn đường bằng hồng ngoại và radar, và có thể được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Các tên lửa này phù hợp cho cả các cuộc giao tranh tầm ngắn và tầm trung, tùy thuộc vào biến thể cụ thể.
Tùy thuộc vào điều kiện chiến đấu và sở thích chiến thuật, bất kỳ tên lửa nào trong số này đều có thể được sử dụng trong vụ bắn hạ chiếc MiG-29. Tuy nhiên, Điện Kremlin không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về loại tên lửa hoặc máy bay liên quan, khiến các chi tiết cụ thể của vụ việc vẫn chưa rõ ràng.
Về tên lửa không đối không Vympel R-73, NATO gọi là AA-11 Archer (Cung thủ), là tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại, nổi tiếng với khả năng cơ động đặc biệt cao và khả năng nhắm mục tiêu ngoài tầm ngắm chuẩn xác, khiến nó trở thành vũ khí quan trọng trong không chiến tầm gần.
R-73, do Cục Thiết kế Vympel của Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng năm 1984, đã cách mạng hóa công nghệ tên lửa không đối không tầm ngắn. Được thiết kế để sử dụng trong không chiến, tên lửa này vượt trội trong các cuộc giao tranh cận chiến nhờ tính linh hoạt và khả năng tấn công mục tiêu ở góc cực xa.
Nó đã trở thành vũ khí tiêu chuẩn cho một số máy bay chiến đấu thời Liên Xô và hiện đại của Nga, bao gồm MiG-29, Su-27, Su-30 và các biến thể của các tiêm kích này.
Ngoài vai trò trong biên chế của Nga, R-73 còn được xuất khẩu rộng rãi và vẫn là lựa chọn hàng đầu cho khách hàng trên toàn thế giới.
Họ tên lửa R-73 bao gồm các biến thể R-73M, R-73E (bản xuất khẩu), cùng các bản nâng cấp RVV-MD, R-74M, R-74M2, RVV-MD và RVV-MD2.
Hệ thống tên lửa đất đối không 9K33M3 Osa của quân đội Ukraine với tên lửa không đối không R-73. Ảnh: Militarnyi
Một trong những tính năng nổi bật của R-73 là khả năng tương thích với kính ngắm gắn trên mũ bảo hiểm (HMS), cho phép phi công chỉ thị mục tiêu theo đường ngắm của họ. Sự đổi mới này cho phép tên lửa khai thác khả năng ngắm xa ngoài đường ngắm, giúp tăng đáng kể phạm vi giao tranh của phi công.
Kết hợp với hệ thống điều khiển vectơ lực đẩy và đầu dò tiên tiến, R-73 cực kỳ hiệu quả khi chống lại các đối thủ nhanh nhẹn, linh hoạt trong các cuộc chạm trán cự ly gần.
Với chiều dài 2,9 m, R-73 được đặc trưng bởi cấu hình khí động học và đầu dò dẫn đường hồng ngoại tiên tiến. Đầu dò lạnh của nó cho phép giao chiến mọi hướng, cho phép tên lửa khóa mục tiêu từ mọi hướng, dù là từ phía sau hay trực diện.
Khả năng này, kết hợp với khả năng chống chịu mạnh mẽ trước các biện pháp đối phó, đảm bảo độ tin cậy của "Cung thủ" ngay cả trong môi trường triển khai pháo sáng và các mồi nhử khác.
R-73 mang đầu đạn phân mảnh nổ mạnh, đảm bảo khả năng sát thương cao khi phát nổ. Thiết kế module của nó tạo điều kiện cho việc nâng cấp, giúp mở rộng phạm vi hoạt động của tên lửa trong nhiều thập kỷ.
Về hiệu suất, tên lửa R-73 được tối ưu hóa cho các cuộc giao chiến tầm ngắn, với tầm bắn tối đa khoảng 20-40 km, tùy thuộc vào điều kiện phóng và động lực mục tiêu. Nó đạt tốc độ lên tới Mach 2,5 (gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh), cho phép tên lửa tiếp cận nhanh chóng các mục tiêu cơ động.
Khả năng ngắm xa ngoài tầm nhìn của tên lửa, được HMS hỗ trợ, cho phép tên lửa tấn công mục tiêu ở xa ngoài cung trước của máy bay, tăng cường đáng kể lợi thế tình huống trong không chiến.
Tóm lại, tên lửa không đối không "Cung thủ" R-73 chính là một tài sản đáng gờm trong bất kỳ cuộc không chiến quần vòng cự ly ngắn nào.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Defense Advancement)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kha-nang-co-dong-dac-biet-cao-cua-ten-lua-khong-doi-khong-r-73-a198062.html