Nếu Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thúc đẩy sự ổn định ở Syria sau sự sụp đổ của chính quyền cũ, thì khối này cần phải nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt đối với quốc gia Trung Đông.
Bình luận trên được đưa ra bởi chuyên gia Julien Barnes-Dacey, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu hôm 14/1.
Theo ông Barnes-Dacey, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad và sự thành lập của một chính phủ chuyển tiếp nhấn mạnh rằng đã đến lúc Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Đặc biệt, người châu Âu cần tiếp tục tập trung vào Syria và coi đây là một cơ hội chiến lược quan trọng, xét đến tình hình hỗn loạn trong thập kỷ qua và vai trò của Syria như một nguồn bất ổn – người tị nạn và khủng bố, ông Barnes-Dacey nhận định.
"Đây là cơ hội để thay đổi cơ bản hướng đi của Syria, biến nơi này thành một quốc gia ổn định trong khu vực – chứ không phải là nguồn bất ổn, biến nơi này thành một quốc gia mà người tị nạn có thể lựa chọn quay trở lại", ông Barnes-Dacey nói với Anadolu.
"Tôi nghĩ rõ ràng là mọi người đều nhận thức rất rõ thực tế rằng đất nước này sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi rất mong manh và có những thách thức to lớn ở phía trước đối với ban lãnh đạo mới ở Syria", ông nói.
Syria từ lâu đã là một trong những quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới vì gia đình Assad, những người đã lãnh đạo chính phủ ở Damascus trong 54 năm cho đến khi bị lật đổ vào tháng trước.
Nhưng khi chính phủ lâm thời được thành lập ở Syria, chính phủ đó đã phải gánh tất cả các lệnh trừng phạt vốn áp đặt lên chính quyền cũ.
Bộ trưởng Tài chính mới của chính phủ lâm thời gần đây nói với hãng tin Reuters rằng các lệnh trừng phạt đó ngăn cản Syria thực hiện các thỏa thuận nhập khẩu lúa mì hoặc nhiên liệu.
Nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, đất nước này sẽ phải đối mặt với thảm họa, các quan chức thuộc chính phủ lâm thời Syria cảnh báo.
Trong trường hợp của EU, ông Barnes-Dacey cho biết khối này phải hành động nhanh hơn để đáp ứng "nhu cầu cấp thiết ngay lập tức" của nền kinh tế Syria, bao gồm viện trợ nhân đạo và miễn trừ lệnh trừng phạt.
Vị chuyên gia cho biết, quan hệ đối tác chính trị và kinh tế lâu dài của châu Âu với Syria phụ thuộc vào "quá trình chuyển đổi toàn diện", cảnh báo về rủi ro "tình hình sẽ diễn biến nhanh hơn nhiều trên thực tế so với mong muốn và người châu Âu không thể ủng hộ quá trình chuyển đổi mà họ tuyên bố mong muốn".
Ông Barnes-Dacey chỉ ra tác động hạn chế của các lệnh trừng phạt của phương Tây, lên án vai trò của chúng trong việc "làm trầm trọng thêm sự sụp đổ kinh tế và cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thực tế" ở Syria.
"Do các lệnh trừng phạt, các cơ quan nhân đạo ít có khả năng tiếp cận và làm việc ở Syria, và thiếu các kênh tài chính", ông cho biết, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để "tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ".
Theo vị chuyên gia, việc nới lỏng lệnh trừng phạt sẽ cho phép cộng đồng người Syria ở nước ngoài và các cơ quan nhân đạo làm nhiều việc hơn cho Syria trong khi tạo điều kiện cho viện trợ từ các quốc gia và tổ chức như Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Mặc dù châu Âu rất muốn thấy người tị nạn Syria trở về nhà, ông Barnes-Dacey cảnh báo rằng nếu EU không hành động đủ để ổn định quá trình chuyển đổi toàn diện và cải thiện điều kiện kinh tế trên thực địa, ít người Syria sẽ chọn hồi hương vì "họ sẽ không thấy tương lai cho chính mình".
Minh Đức (Theo Anadolu, DW)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-gia-noi-da-den-luc-my-eu-do-bo-trung-phat-syria-a198491.html