Để đến được đền Gàn chúng tôi phải đi tàu xuất phát từ bến tàu Khu du lịch Hồ Núi Cốc với thời gian di chuyển khoảng 15-20 phút. Đền Gàn hiện ra trước mắt chúng tôi với vị trí trên lưng chừng đồi, có nhiều cây xanh cổ thụ, cửa chính hướng ra mặt hồ mênh mông. Nhìn tổng quan, kiến trúc của ngôi đền khá đơn giản có kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm gian tiền đường và gian hậu cung. Phía trên cửa chính có khắc ba chữ “Linh Gàn từ” (dịch nghĩa là đền Gàn) trên bia đá. Trước cửa đền có cây đa hàng trăm năm tuổi càng làm cho nơi này trở nên cổ kính, tôn nghiêm.
Thật trùng hợp, chúng tôi đến đây vào đúng ngày nhà đền tổ chức lễ khai xuân (ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm). Theo quan sát của chúng tôi, có khá nhiều người dân địa phương và du khách đến làm lễ cầu may, cầu tài, cầu lộc, mùa màng tốt tươi...Đây không chỉ là một tín ngưỡng dân gian mà còn là một nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Trong thời điểm dịch bệnh có những diễn biến khá phức tạp, du khách đi lễ đền nhưng không quên thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế.
Trao đổi với thủ nhang ngôi đền, được biết, đền Gàn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Cùng với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần cũng được thờ tại đây. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, minh chứng cho lịch sử tồn tại lâu dài của ngôi đền như: Ngai thờ cổ được trạm trổ công phu, bát hương cổ, tượng cổ, một phần còn lại của câu đối cổ được sơn son thiếp vàng... Đền Gàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 290/QĐ-UBND ngày 07/02/2013.
Rời đền Gàn, bác lái tàu tiếp tục đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh Hồ Núi Cốc, lênh đênh trên mặt hồ, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của nơi đây và tham quan một số hòn đảo như: Đảo Núi Cái, đảo hoa Family…, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng./.
Đoàn Chiên - Vũ Hoàng
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/den-gan-diem-den-khong-nen-bo-qua-trong-hanh-trinh-kham-pha-ho-nui-coc-thai-nguyen-a19855.html