Yêu cầu đổi mới trong giai đoạn mới
Kể từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến nay, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ đổi mới các vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, mà còn đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Đối với giáo dục phổ thông, tập trung đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa (SGK). Trong đó, lần đầu tiên nước ta thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK. Đây là một thành tựu của đổi mới giáo dục.
Trước đây, trong suốt nhiều thập kỷ, việc học sinh cả nước chỉ học một chương trình và một bộ SGK đã phát huy được vai trò với nhiều ưu điểm như: Đảm bảo chuẩn giáo dục thống nhất; giảm bất bình đẳng giáo dục; đảm bảo chất lượng; việc kiểm tra, đánh giá học sinh dễ dàng; thuận lợi trong đối sánh kết quả học tập giữa học sinh với nhau và giữa các trường; giáo viên thuận lợi trong giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm với nhau; giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách và gia đình…
Bên cạnh đó, với cách làm này cũng bộc lộ một số vấn đề đáng trăn trở và đặt ra những yêu cầu cấp bách cần thay đổi.
Trước hết, mô hình giáo dục này chủ yếu đào tạo ra những "công dân đồng phục", thiếu kỹ năng phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng hợp tác để giải quyết những vấn đề phức tạp, chưa từng xảy ra của cuộc sống.
Thứ hai, mô hình giáo dục này hạn chế phát triển tài năng của mỗi người vì không có sự phân hóa học sinh dựa trên năng lực, nhu cầu học tập của họ. Việc cho người học nhiều lựa chọn là vô cùng quan trọng, được nhiều nước áp dụng, để đảm bảo rằng, họ sẽ phát triển hết tiềm năng của mình và theo đuổi đam mê, sáng tạo ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Thứ ba, giáo dục phổ thông chỉ sử dụng một bộ SGK là mang tính áp đặt, không dân chủ, không trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà trường và giáo viên. Mỗi quốc gia có những vùng kinh tế, xã hội, văn hóa, dân tộc khác nhau… nên một bộ SGK là không hợp lý. Bên cạnh đó, sách hướng dẫn giáo viên được biên soạn tuyến tính với sách giáo khoa đã làm triệt tiêu động lực nghiên cứu và sáng tạo của giáo viên, do mọi thứ đã có sẵn.
Trước những yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xa hơn là nâng cao sự phát triển của con người Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại khoa học - công nghệ, việc chuyển từ mô hình "một chương trình, một bộ SGK" sang "một chương trình, nhiều SGK" là điều cần thiết.
Thực tiễn chứng minh tính đúng đắn
Nhìn lại tác động của quyết sách này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) nhấn mạnh, đó là một sự đổi mới mang tính lịch sử xét cả về tư duy và thực tiễn giáo dục. Từ chỗ SGK được xem như pháp lệnh của nền giáo dục thì đến nay chương trình giáo dục được định vị trở thành trung tâm cốt lõi của nền giáo dục mà các trường phổ thông trên cả nước phải thống nhất thực hiện, SGK giờ đây đóng vai trò là học liệu của quá trình học tập.
Với quan điểm một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, trước hết đó là việc cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định: "Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo".
Đây cũng là bước đi cần thiết để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn, xuất bản SGK; tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách, các nhà xuất bản có được những bộ sách có chất lượng tốt; các thầy cô giáo, các em học sinh có nhiều lựa chọn về tài liệu dạy - học.
"Sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản SGK là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá việc biên soạn SGK.
Tài liệu học tập phong phú, có chất lượng tốt về nội dung và hình thức, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà", ông Tùng khẳng định.
Từ sự mở đường bằng tư duy đổi mới đã thu hút nhiều nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên, giáo viên trong cả nước tích cực tham gia xây dựng các bộ SGK khác nhau. Cho đến nay, nước ta có ba bộ SGK chính thức, được xuất bản bằng hình thức xã hội hóa. Đó là bộ "Chân trời sáng tạo" và "Kết nối tri thức với cuộc sống" do NXBGDVN chủ trì và Bộ "Cánh diều" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp chủ trì. Mặc dù vẫn còn một số điều chỉnh, tuy nhiên cả ba bộ SGK này đều có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đây là lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản SGK hoàn toàn bằng xã hội hóa.
"Với gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản SGK, hiện NXBGDVN có 2 trong số 3 bộ SGK biên soạn theo Chương trình GDPT 2018, là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Các bộ SGK của NXBGDVN được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao.
Đây là minh chứng cho thấy NXBGDVN đã có những đóng góp tích cực vào sự thành công của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK", Phó Tổng biên tập NXBGDVN nhấn mạnh.
Có thể nói, việc thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK qua thực tiễn triển khai đã cho thấy tính đúng đắn và phù hợp. Trong chặng đường tiếp theo của cuộc cách mạng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần tiếp tục khẳng định sự cần thiết của chủ trương này cũng như có những điều chỉnh trong việc thực hiện để có được hiệu quả cao hơn.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/doi-moi-giao-duc-bat-dau-tu-tu-duy-lam-sach-giao-khoa-a199260.html