Công lý đã được thực thi một phần khi toà Hàn Quốc đã buộc Chính phủ phải bồi thường hơn 30 triệu won (khoảng hơn 20.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, người mất gia đình trong vụ thảm sát ở Quảng Nam.
Phán quyết của Toà Hàn Quốc
Lính đánh thuê Hàn Quốc thuộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 2 đã gây ra vụ thảm sát 74 người tại làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam, năm 1968.
Theo hãng tin Yonhap, tòa phúc thẩm Seoul quyết định giữ nguyên phán quyết của tòa án sơ thẩm, thể hiện sự ủng hộ đơn kiện của công dân Việt Nam trước tội ác lịch sử mà lính đánh thuê Hàn Quốc đã gây ra tại Việt Nam năm 1968 trong vụ thảm sát ở Quảng Nam.
Thực tế, cả hai toà sơ thẩm và phúc thẩm đều yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường cho nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thanh, người đã mất đi người thân trong gia đình và bản thân cũng bị thương trong vụ lính thủy đánh bộ Hàn Quốc sát hại dã man hàng chục dân thường trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo đó, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã ra phán quyết, yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won (khoảng hơn 540 triệu VND) cùng khoản tiền lãi do chậm thanh toán cho bà Nguyễn Thị Thanh, 64 tuổi.
Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ và Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc trong việc bồi thường cho các nạn nhân bị chính binh lính Hàn Quốc sát hại trong Chiến tranh Việt Nam.
Sau phán quyết của tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Thanh đã bày tỏ lòng biết ơn và kêu gọi sự chú ý đến các nạn nhân khác trong các trường hợp tương tự.
Tại Hàn Quốc, bà Thanh nhắc lại sự việc mất người thân và bị thương trong vụ thảm sát hơn 70 dân thường Việt Nam do quân đội Hàn Quốc thực hiện tại làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam, năm 1968.
Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị, một trong những tội ác chiến tranh nghiêm trọng của Quân đội Hàn Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, xảy ra vào ngày 12/2/1968 tại khu vực hai ngôi làng nay thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Các binh sĩ Hàn Quốc đã thực hiện vụ thảm sát hàng loạt, khiến nhiều dân thường vô tội thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh – nguyên đơn trong vụ kiện Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhất – Phong Nhị, là một trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của lính Hàn Quốc ngày 12/2/1968.
Lính đánh thuê Hàn khi đó được mô tả đã mang theo súng lao vào từng nhà dân và nổ súng. Bà Thanh khi đó mới 8 tuổi, bị đạn xé làm bị thương phần hông bên trái nhưng may mắn sống sót. Tuy nhiên, mẹ và hai chị em của bà Thanh cùng nhiều người khác trong làng đã không qua khỏi.
Theo một số tài liệu lịch sử, lính đánh thuê Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam đã gây ra các vụ thảm sát hàng nghìn người dân vô tội ở Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi.
Trước đó, kết quả điều tra của nhà nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc Ku Su-jeong - người khởi xướng phong trào "Xin lỗi Việt Nam" tại xứ sở Kim Chi, có đến hơn 9.000 người Việt Nam đã thiệt mạng trong các vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc khi tham gia cuộc chiến.
Gác lại quá khứ nhưng phải tôn trọng lịch sử
Trước đó, vào tháng 2/2023, tòa sơ thẩm Seoul đã ra phán quyết yêu cầu chính phủ bồi thường cho bà Thanh, đồng thời, bác bỏ quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc rằng họ được miễn trừ đối với vụ kiện đòi bồi thường của công dân Việt Nam.
Lập luận của nhà cầm quyền rằng sự tham gia của quân đội Đại Hàn trong vụ thảm sát chưa được chứng minh rõ ràng, hay vụ nổ súng thảm sát ở Phong Nhất – Phong Nhị chỉ là hành động “chính đáng” do tính chất đặc biệt của cuộc chiến ở Việt Nam cũng bị bác bỏ.
Tiếp đó, cũng trong tháng 3/2023, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên tiếng kháng cáo quyết định của toà sơ thẩm và phủi bỏ mọi trách nhiệm bồi thường.
Trước thông tin Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết liên quan vụ thảm sát tại tỉnh Quảng Nam vào năm 1968, hồi tháng 3/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ “rất lấy làm tiếc” trước việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, phía Việt Nam coi đây là động thái không phản ánh đúng sự thật khách quan và đề nghị phía Hàn Quốc tôn trọng lịch sử.
Việt Nam “hoan nghênh” phán quyết của Toà Hàn Quốc
Ngày 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Tòa phúc thẩm tại Seoul (Hàn Quốc) quyết định giữ nguyên phán quyết, yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường hơn 30 triệu won (hơn 20.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, người mất gia đình trong vụ thảm sát Quảng Nam năm 1968.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam bày tỏ “hoan nghênh phán quyết vừa qua của Tòa phúc thẩm Seoul”. Việt Nam gọi đây là một phán quyết phản ánh sự thật lịch sử, góp phần hiện thực hóa tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
“Với quan điểm này, Việt Nam mong muốn cùng Hàn Quốc phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước; có các hành động thiết thực nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân hai nước”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-hoan-nghenh-phan-quyet-o-han-quoc-ve-boi-thuong-nan-nhan-tham-sat-quang-nam-a199444.html