Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco - UPCoM: TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với kết quả kinh doanh tích cực khi tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Theo đó, quý IV/2024 công ty đạt 2.957 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động; ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 32%. Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế quý IV của Gang thép Thái Nguyên đạt 74,2 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với quý IV/2023.
Gnag thép Thái Nguyên cho biết, nguyên nhân lợi nhuận quý IV/2024 tăng mạnh là do công ty đã tích cực triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giá thành nên lãi gộp tăng. Đồng thời, trong quý công ty hoàn nhập chi phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã trích quá từ những năm trước và tiền bán vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, quý IV khởi sắc cũng không thể bù đắp lại cho 9 tháng đầu năm kinh doanh thua lỗ của công ty.
Tính chung cả năm 2024, Gang thép Thái Nguyên lỗ hơn 5,3 tỷ đồng – dù vậy, con số lỗ này đã cải thiện nhiều so với khoản lỗ 176 tỷ đồng ghi nhận năm 2023. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ. Đáng chú ý, Gang thép Thái Nguyên thua lỗ trong bối cảnh doanh thu cả năm 2024 tăng mạnh 11,2% so với năm trước đó, vượt 10.600 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 13.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 15 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Gang thép Thái Nguyên không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là gánh nặng chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay. Tính đến cuối năm 2024, công ty đang gánh khoản vay nợ ngắn và dài hạn hơn 4.500 tỷ đồng, gây áp lực lớn lên dòng tiền của công ty.
Ngoài chi phí lãi vay, công ty thép này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức từ các khoản phải thu khó đòi. Tại thời điểm 31/12/2024, tổng giá trị phải thu ngắn hạn từ khách hàng đạt gần 912 tỷ đồng, trong đó công ty đã phải trích lập dự phòng hơn 294 tỷ đồng.
Một số khoản phải thu được trích lập dự phòng 100%, điển hình là khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (147 tỷ đồng). Các khoản dự phòng lớn khác bao gồm nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Nam (87 tỷ đồng) và Công ty TNHH Lưỡng Thổ (27 tỷ đồng).
Thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Gang thép Thái Nguyên đạt 10.388 tỷ đồng, tăng 136,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó, chi phí xây dựng dở dang chiếm đến gần 6.370 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả chiếm tới 8.806 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức hơn 1.582 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024. Gang thép Thái Nguyên cũng đang ghi nhận 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gang-thep-thai-nguyen-van-chua-thoat-lo-a199486.html