Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew nhấn mạnh, việc gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ giúp tự do hóa thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh, giữa Anh với các thành viên còn lại của CPTPP. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai nước giờ đây sẽ có cơ hội tiếp cận hàng hóa, dịch vụ và đầu tư một cách dễ dàng hơn.
Đại sứ bày tỏ kỳ vọng, việc gia nhập CPTPP sẽ dẫn đến gia tăng thương mại giữa Việt Nam và Anh, đồng thời cũng tạo nền tảng để hai bên tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ một hệ thống thương mại quốc tế mở và hiệu quả.
"Chúng tôi vô cùng biết ơn vì sự ủng hộ mạnh mẽ mà chúng tôi đã nhận được từ Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán. Giờ đây khi CPTPP có hiệu lực, chúng ta có cơ hội giúp các doanh nghiệp tận dụng điều đó để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư", ông Iain Frew bày tỏ.
Đại sứ cho biết, khi Anh gia nhập CPTPP, các quốc gia thành viên trong khối này sẽ chiếm 15% GDP toàn cầu. Đây là một khối thương mại rất quan trọng.
CPTPP cũng đề ra một số quy định và luật lệ thương mại tiên tiến, tiến bộ nhất toàn cầu. Đây là khối liên kết kinh tế quốc tế thu hút, đang phát triển và có tầm quan trọng ngày càng lớn trên thế giới. Với việc Anh gia nhập, CPTPP đang mở rộng ra ngoài khu vực Thái Bình Dương.
Do đó, đây thực sự là một cơ hội cho Anh, cho nhóm các quốc gia tham gia CPTPP, cũng như mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa khi hai nước đang kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Chiến lược và mối quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Cùng quan điểm trên, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) bày tỏ vui mừng khi Anh đã thành công trong việc hoàn tất đàm phán gia nhập và phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
"Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội cho Anh và các quốc gia thành viên CPTPP ban đầu, mà còn đánh dấu mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Anh lên tầm cao mới", ông Thái nhận định.
Những quy tắc trong hiệp định này không chỉ hỗ trợ cho việc hình thành các chuỗi cung ứng hiện tại, mà còn mở ra những cơ hội mới cho các ngành tiềm năng trong tương lai, thậm chí những ngành mà chúng ta hiện tại chưa tính toán hết được. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thương mại trước mắt, mà còn mang lại lợi ích lâu dài trong những lĩnh vực mới nổi. Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng lớn, thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên.
"Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa Việt Nam và Anh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Sau 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Anh (UKVFTA), Anh đã vươn lên trở thành một trong 3 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Chúng tôi hy vọng rằng với việc Anh tham gia Hiệp định CPTPP, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục vươn lên một tầm cao mới", ông Thái nhận định.
Lợi ích nổi bật của CPTPP với doanh nghiệp
Đề cập tới lợi ích nổi bật của CPTPP với doanh nghiệp của Việt Nam và Anh, Đại sứ Iain Frew cho rằng, thỏa thuận CPTPP xây dựng trên nền tảng của UKVFTA đối với các doanh nghiệp đã hoạt động giữa hai thị trường. Vì vậy, có những lĩnh vực mà thỏa thuận CPTPP tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc tự do hóa thuế quan.
Do đó, sẽ có những mặt hàng xuất khẩu đặc biệt từ cả hai quốc gia được hưởng lợi từ điều này. Các doanh nghiệp sẽ có thể xuất khẩu với thuế thấp hơn hoặc miễn thuế. Ví dụ, các nhà xuất khẩu gạo, hải sản, bột sắn của Việt Nam sẽ thấy thuế quan đối với những mặt hàng này giảm nhanh hơn.
Còn các nhà xuất khẩu của Anh, như xuất khẩu thịt lợn, gia cầm hoặc chocolate, sẽ nhận thấy việc tiếp cận thị trường Việt Nam và giảm thuế trở nên dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, theo Đại sứ, có những lợi ích từ một số quy định rộng hơn trong CPTPP. Ví dụ, việc tập trung vào thương mại kỹ thuật số và nền kinh tế số trong thỏa thuận này cũng sẽ mở ra thêm cơ hội cho hai nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước sẽ nhận nhiều lợi thế hơn đối với các chuỗi cung ứng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp hoạt động giữa Anh và Việt Nam, mà còn cho các doanh nghiệp quốc tế giữa hai quốc gia, những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng kéo dài đến các thành viên khác trong CPTPP.
Vì vậy, những lợi ích của việc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra giá trị mới, tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn hơn nhờ vào những lợi ích lớn hơn từ chuỗi cung ứng.
Thỏa thuận CPTPP cũng có các tiêu chuẩn về tính minh bạch và khả năng dự đoán. Điều này thực sự tạo ra sự tự tin cho các nhà đầu tư để tăng cường đầu tư và xem xét những cơ hội mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tận dụng được điều đó, Anh đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp của hai quốc gia để giúp giải thích ý nghĩa của việc gia nhập CPTPP.
Đại sứ khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tự cập nhật thông tin đầy đủ, nắm bắt các điều khoản mới, suy nghĩ xem những thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ như thế nào, đề ra các biện pháp để thích ứng và tận dụng cơ hội này.
Đồng thời, doanh nghiệp hai nước cũng cần xây dựng khả năng và năng lực của mình trong tổ chức, cho dù đó là đội ngũ nhân viên, hay các lĩnh vực mà sự tự do hóa đang diễn ra.
Còn đại diện của Bộ Công Thương, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, Việt Nam đã định vị chiến lược "đi tắt, đón đầu" bằng việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) . Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái định hình, đây là cơ hội hiếm có mà nhiều chuyên gia nhận định chỉ xuất hiện rất ít lần.
Nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể nhanh chóng tham gia vào các chuỗi cung ứng mới, từ đó từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Các FTA, trong đó có CPTPP, chính là công cụ quan trọng giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, với các ngành mới nổi, như sản xuất điện tử, chip bán dẫn, các lĩnh vực công nghệ cao khác, Việt Nam được đánh giá là một trong những ví dụ thành công. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đang muốn phổ biến kinh nghiệm của Việt Nam cho các thành viên khác đang nghiên cứu và học hỏi.
"Chúng tôi rất vui mừng khi cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ, mang lại những kết quả cụ thể và tích cực giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của đất nước", ông Lương Hoàng Thái bày tỏ.
Tận dụng được tối đa lợi thế của CPTPP để tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư
Đại sứ Ian Frew cho biết, thương mại giữa Việt Nam và Anh liên tục tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua, từ 3 tỷ bảng Anh lên 6 tỷ bảng Anh. Đại sứ bày tỏ kỳ vọng, xu hướng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Mặc dù UKVFTA mới chỉ có hiệu lực trong vài năm qua, nhưng các doanh nghiệp hai nước đã bắt đầu tận dụng cơ hội.
"Chúng tôi tin rằng còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể làm được nhiều hơn nữa và CPTPP sẽ xây dựng trên nền tảng đó. Những kinh nghiệm mà chúng ta đã rút ra trong suốt thời gian qua, sẽ thực sự giúp ích hai nước trong giai đoạn tiếp theo, bao gồm quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại và quá trình xác định lợi ích của mỗi quốc gia, cũng như cách thức thúc đẩy những lợi ích đó", ông Iain Frew bày tỏ.
Đại sứ hoan nghênh Chính phủ hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin về các ưu tiên, về doanh nghiệp và các lĩnh vực khác nhau. Điều này đã giúp hai bên hiểu rõ hơn về sự bổ sung lẫn nhau giữa nền kinh tế của hai quốc gia.
Anh và Việt Nam sản xuất những hàng hóa rất khác nhau, và người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm theo những cách rất khác biệt từ hai quốc gia. Vì vậy, sự bổ sung này mang lại tiềm năng lớn. Chẳng hạn như người tiêu dùng ở Anh sẽ hưởng lợi từ các sản phẩm điện tử và hải sản được sản xuất tại Việt Nam, trong khi người tiêu dùng Việt Nam có thể tiêu thụ các sản phẩm như dược phẩm từ Anh, rượu whisky hoặc thịt gia cầm. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước cần tận dụng thêm.
Đối với những bài học từ UKVFTA mà hai quốc gia rút ra để sẵn sàng cho CPTPP, Đại sứ cho rằng, hai nước có thể rút kinh nghiệm trong xây dựng khả năng của các doanh nghiệp để hiểu các điều khoản mới của một thỏa thuận thương mại.
"Chúng ta cần hiểu rõ hơn các lĩnh vực nào đã tận dụng được các điều khoản mới và những lĩnh vực nào có thể cần thêm sự hỗ trợ để phát triển, hiểu biết và tận dụng tối đa cơ hội. Đây là một trong những bài học mà chúng ta đã có cho đến nay. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sử dụng điều đó một cách hiệu quả trong năm nay", ông Iain Frew chia sẻ.
Trong năm tới, một số sự kiện đã được lên kế hoạch, bao gồm các hội thảo với doanh nghiệp và các buổi đào tạo để nâng cao kỹ năng để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách họ có thể tận dụng tối đa những cơ hội đó.
Ông Lương Hoàng Thái chia sẻ thêm, khi Quốc hội Việt Nam thông qua việc Anh gia nhập CPTPP, một kế hoạch cụ thể đã được phê duyệt nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định một cách hiệu quả. Chính phủ cũng đã triển khai một chương trình hành động chi tiết, với các nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng bộ, ngành.
Trước mắt, việc đầu tiên cần thực hiện là sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với Hiệp định, và công việc này đã hoàn thành. Bước tiếp theo là cung cấp thông tin để doanh nghiệp có thể nắm rõ các quy định của Hiệp định, từ đó tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho mình.
Những thông tin này đã được xây dựng đầy đủ, không chỉ dưới dạng các tài liệu chung về Hiệp định mà còn được đăng tải trên trang website của Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan thương vụ của Việt Nam cũng đã tích cực vào cuộc, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đã có những nghiên cứu chuyên sâu về một số ngành hàng cụ thể mà Việt Nam có cơ hội phát triển, nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt được thông tin chi tiết hơn về tiềm năng và thế mạnh của mình.
"Chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Trong quá trình doanh nghiệp nỗ lực khai thác và tận dụng các ưu đãi từ CPTTP, nếu gặp phải rào cản hay vướng mắc, các bộ, ngành và địa phương sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ. Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.
"Đến nay, chúng ta đã bước đầu hình thành một hệ thống hoạt động cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA nói chung, và đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP", ông Thái nhấn mạnh.
Thùy Dung
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/anh-gia-nhap-cptpp-va-co-hoi-cho-dn-viet-a199511.html