Ngày 23/1, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tái - Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Di tích Đền thờ Trạng Trình) ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 151/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích.
Quy hoạch có mục tiêu dài hạn là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Di tích Đền thờ Trạng Trình cùng các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học và hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương.
Mục tiêu ngắn hạn của quy hoạch là tu bổ, phục hồi Di tích Đền thờ Trạng Trình nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
Theo Quyết định số 151/QĐ-TTg, quy mô Di tích Đền thờ Trạng Trình được điều chỉnh, mở rộng diện tích 9,992ha. Cụ thể, khu vực bảo vệ I là 0,317ha được giữ nguyên , thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Khu vực bảo vệ II điều chỉnh tăng 0,842ha lên thành 9,675ha. Trong đó, bổ sung phần diện tích 0,495ha của khu vực đền, chùa Song Mai (nơi thờ bà Minh Nguyệt là phu nhân Trạng Trình) vào khu vực quy hoạch để hình thành chỉnh thể không gian cảnh quan và kết nối đồng bộ với Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngoài ra, bổ sung diện tích 1,655ha của khu vực sản xuất nông nghiệp phía sau mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (bố đẻ Trạng Trình) vào khu vực bảo vệ II để hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Khu vực quán Trung Tân điều chỉnh tăng khoảng 0,168ha lên thành 0,241ha. Khu vực Tháp bút Kình Thiên, bổ sung diện tích khu vực khuôn viên cảnh quan xung quanh để tăng lên thành 0,433ha (bổ sung khoảng 0,368ha so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích).
Về định hướng phát huy giá trị Di tích Đền thờ Trạng Trình gắn với phát triển du lịch, Quyết định số 151/QĐ-TTg nêu rõ, tập trung thu hút thị trường khách nội tỉnh, đặc biệt từ các trường học các cấp, khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và chú trọng khách du lịch lễ hội, tín ngưỡng, thăm quan học tập, về nguồn.
Bên cạnh đó, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch lễ hội, thăm quan, du lịch sự kiện văn hóa, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên tại những địa danh gắn liền với con người và cuộc đời Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đồng thời, hình thành các khu dịch vụ bổ trợ cung cấp các sản phẩm lưu niệm là các con giống của loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước, múa rối cạn, sản phẩm trạm khắc gỗ Bảo Hà, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: thuốc lào Triền Am, các món ăn chế biến từ sản vật rươi Vĩnh Bảo, cá Hội Am, gạo thơm Vĩnh Bảo, bánh trôi Liên Am, nem chân giò và chuối nấu Vĩnh Phong, cà ra sông Hóa…
Theo ông Nguyễn Văn Tái - Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền thờ Trạng Trình, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi không chỉ tạo thêm không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện phát triển du lịch, mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân quê lúa Vĩnh Bảo.
"Năm 2024, Di tích Đền thờ Trạng Trình đón 1,5 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2025, địa phương đặt mục tiêu di tích đón 2 triệu lượt khách du lịch", ông Nguyễn Văn Tái cho biết.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng). Năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất - Trạng Nguyên. Sau đó, ông giữ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Tòa Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Sau khi qua đời năm 1585, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc, đặc biệt là những lời tiên tri ứng nghiệm - còn được gọi là “sấm Trạng”.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quy-hoach-di-tich-den-tho-trang-trinh-dap-ung-mong-moi-cua-nguoi-dan-que-lua-a199545.html