Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng là:
Tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương; báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024; báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.
Bảo đảm đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo Tổng Bí thư, nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18 là nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị Trung ương lần này. Thực hiện kết luận của Trung ương tại hội nghị ngày 25/11/2024, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội với những bước đi lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ của Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết này.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, các cơ quan, ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị, xã hội Trung ương đều đã đi đầu nêu gương khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng.
Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp. Các địa phương cũng đã tích cực, chủ động triển khai việc thực hiện, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện theo đúng tinh thần Trung ương không chờ cấp tỉnh cũng không chờ cấp huyện, cấp huyện cũng không chờ cơ sở. Nhìn tổng thể, cho đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra, bảo đảm đúng định hướng của Trung ương đã chỉ đạo.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để Hội nghị đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư khẳng định, các công việc được triển khai thuận lợi, nhanh là vì đã biết kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nay Trung ương đặt vấn đề tổng kết nên đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân, bởi đó là những vấn đề đã chín, đã rõ.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân.
Đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện, đồng thời cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nhằm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới; với tinh thần đảng viên, với kinh nghiệm thực tiễn điều hành công tác và thực tiễn đời sống xã hội ở địa phương, đơn vị mình để phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn với những nội dung sắp xếp, bố trí cán bộ.
Tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tranh thủ cơ hội
Về nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tạo nền tảng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường hoàn thiện hạ tầng nhân lực, nhất là những vấn đề mới được thúc đẩy tăng trưởng.
Tổng Bí thư lưu ý, đây là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là đến năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8 % trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Mặt khác nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề này, đặc biệt là những giải pháp làm thế nào tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tranh thủ được cơ hội, phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế các dư địa để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2026 - 2030. Điều rất quan trọng đối với nội dung này là từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra những việc cần làm ngay và phải triển khai quyết liệt ngay những việc làm đó thì mới có thể đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nêu rõ, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương các chủ trương, phương án kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phương án giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn một số công việc khác liên quan đến công tác cán bộ nhằm từng bước hoàn thiện và tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đảm bảo các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu rất cao về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Những công việc này tạo tiền đề cho công tác tổ chức cán bộ cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khai-mac-hoi-nghi-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-a199574.html