Điểm b khoản 2 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày này trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Tại Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (công chức, viên chức) được nghỉ:
- Dịp Tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/1/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 2/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 là thời gian người lao động được phép nghỉ theo quy định của pháp luật. Đây chính là quyền lợi cơ bản của mỗi người lao động.
Trong trường hợp vì tính chất đặc thù của công việc hoặc do sắp xếp, nhu cầu của công ty, người lao động phải trực trong những ngày này thì được xác định là làm thêm giờ và được trả lương tương ứng.
Đồng thời, điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động…
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nhấn mạnh, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung như thời gian, địa điểm, công việc làm thêm...
Như vậy, việc được nghỉ làm trong những ngày Tết Nguyên đán là quyền lợi cơ bản của tất cả người lao động. Do đó, người lao động không bắt buộc phải trực Tết, trừ các trường hợp sau theo Điều 108 Bộ luật Lao động 2019:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Nếu người sử dụng lao động nào ép buộc nhân viên của mình phải đi trực Tết mà không được sự đồng ý của họ thì có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng (theo điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
T.M
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ep-buoc-nhan-vien-truc-tet-co-the-bi-phat-tien-den-50-trieu-dong-a199585.html