Victoria Hammett là một cựu sinh viên 23 tuổi từ Đại học Nam California với thói quen đăng video ngắn lên TikTok hàng ngày, với nội dung “chính trị và những thứ khác”. Tài khoản của Hammett có khoảng 750 nghìn lượt theo dõi. Cô là Phó Giám đốc điều hành Gen-Z for Change, một nhóm bao gồm khoảng 500 nhân vật trên TikTok với tổng cộng nửa tỷ tài khoản theo dõi.
Tuần qua, Hammett đăng tải một video dài khoảng 30s cho rằng việc áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine sẽ mang rủi ro leo thang xung đột. Nền tảng của luận điểm này đến từ một buổi hướng dẫn với các quan chức Nhà Trắng. Hammett là một trong số khoảng 30 nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội tham gia buổi hướng dẫn này.
Đây có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất của cách mà mạng xã hội thay đổi cuộc chiến thông tin để giành quyền kiểm soát luồng dư luận về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - một “chiến trường” với những người tham gia đứng ngoài các kênh truyền thông đại chúng truyền thống.
Buổi hướng dẫn của Nhà Trắng bao gồm các nhân vật sử dụng TikTok, YouTube và Twitter và các nền tảng khác. Các quan chức Chính phủ Mỹ nói rằng việc cung cấp thông tin thực tế cho các nhân vật này để họ có thể giải thích cho hàng triệu người theo dõi là một vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ còn cần đối phó với chính sách tương tự từ phía chính phủ Nga.
Krishna Subramanian, CEO của công ty phân tích dữ liệu Captiv8, cho rằng: “Dù mọi người có đồng ý với nó hay không, giới sáng tạo nội dung và nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đã trở thành nguồn tin tức của nhiều người, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi”.
Ngày 11/3 vừa qua, tổ chức Media Matters for America đã xuất bản một báo cáo phân tích 186 tài khoản nổi tiếng trên mạng xã hội tại Nga mà tổ chức này cho rằng đang thực hiện chiến dịch huy động ủng hộ cho phía Nga.
Từ ngày 4/3 đến ngày 8/3, các tài khoản này đã đăng gần 200 video sử dụng caption “Russian Lives Matter #RLM” với nội dung ủng hộ Moscow. Một số video được đăng tải từ các tài khoản khác nhau có caption, nội dung trong video và thậm chí cả lỗi đánh máy giống hệt nhau. Thêm vào đó, một số video có điệu nhảy tạo hình chữ “Z” bằng tay - một biểu tượng được sử dụng trên nhiều xe quân sự Nga tại Ukraine.
Còn ở phía bên kia, giới người nổi tiếng mạng xã hội từ Ukraine và cả Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đang hết sức tận dụng các mạng xã hội này để truyền tải thông điệp của mình. Nhiều tài khoản trước đó chỉ đăng hình túi Gucci hay bí quyết trang điểm thay đổi nội dung ngay lập tức khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. Một tài khoản Instagram tại Ukraine có một triệu lượt theo dõi còn đăng tải hướng dẫn làm bom xăng trên phần Stories của mình.
Ngày 3/3, cầu thủ bóng đá người Ukraine Oleksandr Zinchenko, hiện đang chơi cho Manchester City, đã đăng một video tiếng Anh lên tài khoản Instagram của mình cùng một số vận động viên khác, với nội dung thúc giục NATO thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine. Tài khoản của Zinchenko có 1,6 triệu lượt theo dõi; video trên thì thu hút khoảng 150.000 lượt xem.
Trong khi đó, nhiều quy định mới về “tin giả” được Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua đã khiến một số hãng thông tấn phải rời Nga và cả TikTok cũng phải dừng cho phép đăng tải video mới và livestream tại Nga.
Việc sử dụng TikTok làm phương tiện truyền thông của Ukraine, Nga và Mỹ đã khiến nền tảng video này tràn ngập quan điểm trái chiều, nội dung bạo lực cùng nhiều thông tin khó phân biệt thật giả. Một video được cho là trực tiếp từ vùng chiến sự thực chất lại có thể là từ nhiều năm trước, tại một nơi khác trên thế giới hoặc thậm chí còn không có thật.
Điều này còn khiến công việc kiểm soát nội dung trên TikTok và nhiều mạng xã hội khác trở nên khó khăn hơi bội phần. Nhiều quy định mới về “tin giả” được Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua đã khiến một số hãng thông tấn phải rời Nga và cả TikTok cũng phải dừng cho phép đăng tải video mới và livestream tại Nga.
Thêm vào đó, cách mà các chính phủ muốn giới nhân vật nổi tiếng trên TikTok truyền tải thông điệp của mình có thể không phù hợp với cách họ làm việc. TikTok vốn thường được sử dụng để xem những nội dung có thời lượng ngắn, với mục đích chính là giải trí nhanh gọn. Việc đưa nội dung liên quan đến địa chính trị và chiến tranh lên nền tảng này chưa chắc được đối tượng sáng tạo nội dung ủng hộ hoàn toàn.
Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tiktok-tro-thanh-chien-truong-trong-xung-dot-nga-ukraine-a19999.html