Vào mỗi dịp xuân về, người Việt thường có phong tục đi tham gia các lễ hội để thể hiện sự gắn kết giữa người với người, sự chia sẻ với đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, thời điểm lễ hội được coi là "thời điểm mạnh" trong đời sống, hội tụ những nét đẹp tích cực, sự trang nghiêm trong các lễ nghi và vui vẻ trong những trò diễn dân gian đặc sắc.
Lễ hội là hình thức văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, được coi là "cuộc sống thứ hai" không thể thiếu của con người, nhất là với cư dân ở vùng văn minh nông nghiệp.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước vào dịp đầu năm Âm lịch. Lễ hội du lịch chùa Hương năm 2025 với chủ đề: “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2/2025 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2/2025 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng).
Lễ hội gồm các chương trình: Hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương... Điểm mới năm nay là Ban Tổ chức thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò đảm bảo thuận tiện cho du khách về tham quan.
Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) là một trong những lễ hội lớn được tổ chức sớm từ ngày 1 - 5/2. Trong đó, phần lễ gồm lễ khai chỉ, múa rối chầu Thánh, hoạt động của các đoàn tế diễn ra tại tòa Giá Roi vào sáng ngày mùng 4 tháng Giêng. Hoạt động phần hội bao gồm: trống hội, giải thổi cơm thi, múa kỳ lân, bắt vịt dưới hồ, du thuyền hát hội, khai bút đầu Xuân, giải cờ tướng, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô diễn ra trong khuôn viên di tích.
Lễ hội chùa Keo mùa Xuân năm 2025 diễn ra từ ngày 1-5/2 (tức mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng). Đây là năm thứ 2 lễ hội được tổ chức trong 5 ngày thay vì 1 ngày mùng 4 tháng Giêng như mọi năm trước đây.
Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 - một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 bắt đầu khai hội vào ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, gồm các nghi lễ như: dâng lễ, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…
Bên cạnh phần lễ, phần hội hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một không khí Xuân tươi vui, phấn khởi với các hoạt động nổi bật như: đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, múa lân, võ thuật cổ truyền; trải nghiệm cưỡi ngựa; các trò chơi dân gian... Lễ hội Xuân Yên Tử sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, dự kiến thu hút lượng khách đến tham quan lên đến cả triệu lượt người.
Hội Lim là lễ hội lớn truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du) từ ngày 12 - 13 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức với lễ rước rộn rã và các trò chơi dân gian cùng với những tụ điểm ca hát dân ca quan họ, đặc sản văn hóa của vùng đất Kinh Bắc.
Khách hành hương trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật... Được biết, tại Lễ hội năm nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý cho UBND huyện Tiên Du bắn 90 giàn pháo hoa nổ tầm thấp tại khu vực hồ điều hoà huyện Tiên Du. Thời gian bắn 15 phút: từ 21 giờ 00 đến 21 giờ 15 phút ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Lễ hội đền Trần (Nam Định) thường diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16 tháng Giêng, với các nghi lễ: rước kiệu; khai ấn; rước nước, tế cá... Trong những năm gần đây, cùng với sự vận động phát triển của xã hội, lễ Khai ấn ngày càng được mở rộng trở thành lễ hội lớn thu hút hàng chục vạn người đến tham dự.
Những năm gần đây Lễ Khai ấn đã được tổ chức trang trọng, đảm bảo nghi thức truyền thống, đặc biệt là công tác an ninh trật tự bảo đảm, việc chuẩn bị và phát ấn cũng được tổ chức chu đáo đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-le-hoi-lon-o-mien-bac-khong-the-bo-qua-khi-du-xuan-a200399.html