Tiềm năng du lịch của Bình Dương qua "lăng kính" công nghệ số

Ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch Bình Dương đã hoàn thiện và tiếp bước xây dựng nhiều chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy kết nối giữa nền văn hoá truyền thống và sự mạnh mẽ của thời kỳ hiện đại.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quyết định về "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030".

Bộ VH-TT&DL cũng ban hành Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, bao gồm Bình Dương, xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số (CĐS) phù hợp với thực tiễn.

Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương về công tác CĐS và Công nghệ thông tin (CNTT) của ngành VH-TT&DL tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.

Số hoá toàn bộ các khâu, nhân rộng mô hình văn phòng không giấy

Người Đưa Tin: Thưa ông, để thực hiện các Chương trình CĐS của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VHTTDL như đã nêu trên, đến nay Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương đã có những bước triển khai như thế nào?

TS Cao Văn Chóng: Sở VH-TT&DL Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về CĐS trong thư viện và di sản văn hóa. Kế hoạch này nhằm phát triển du lịch thông minh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiềm năng du lịch của Bình Dương qua "lăng kính" công nghệ số- Ảnh 1.

Tỉnh Bình Dương hiện đang chú trọng phát triển CĐS trong tất cả các lĩnh vực trong đó ngành Văn hoá thể thao du lịch.

Các nhiệm vụ chính của Sở gồm: Số hóa điểm đến, sản phẩm du lịch, xây dựng bản đồ số dịch vụ, cổng thông tin du lịch; số hóa di sản văn hóa và ứng dụng công nghệ VR/AR để tăng trải nghiệm khách du lịch; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thuyết minh du lịch tự động trên thiết bị di động; quảng bá hình ảnh văn hóa Bình Dương trên không gian mạng.

Người Đưa Tin: Ông có thể cho biết, CĐS đã đem lại những lợi ích như thế nào đối với ngành VH-TT&DL tỉnh nhà?

TS Cao Văn Chóng: CĐS đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có tỉnh Bình Dương.

Ngành VH-TT&DL tỉnh Bình Dương đã xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể để thay đổi phương thức quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên nền tảng công nghệ số, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh.

Tôi cho rằng, CĐS đã mang lại những thay đổi tích cực, từ cải cách hành chính, số hóa hồ sơ, quy trình làm việc, đến quảng bá du lịch, tổ chức thể thao, và bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Người Đưa Tin: Thưa ông, việc Sở VH-TT&DL tỉnh và các đơn vị tiên phong "chuyển mình" ứng dụng công nghệ, đã giúp cho hoạt động của ngành có những bước phát triển ra sao?

TS Cao Văn Chóng: Ngành VH-TT&DL tỉnh Bình Dương tập trung vào 2 mục tiêu chính trong CĐS đó là nâng cao công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Trong quản lý Nhà nước, cải cách hành chính là trọng tâm, với mục tiêu phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến và số hóa hồ sơ trên môi trường điện tử.

Hệ thống đường dây nóng 1022 tiếp nhận và xử lý phản ánh về thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả. Dữ liệu ngành được cập nhật định kỳ trên Trung tâm giám sát thông minh IOC.

Tiềm năng du lịch của Bình Dương qua "lăng kính" công nghệ số- Ảnh 2.

TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương.

Năm 2024, chúng tôi sẽ nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và trang thông tin điện tử để đảm bảo an toàn thông tin và hỗ trợ công tác truyền thông.

Mô hình "văn phòng không giấy" đã mang lại hiệu quả tích cực từ khi triển khai, giúp lãnh đạo sử dụng chữ ký số và chứng thư số để phê duyệt, ban hành văn bản điện tử hiệu quả hơn. Ngoài ra, các phần mềm chuyên ngành cũng được áp dụng để nâng cao hiệu quả công việc.

Vượt thách thức, vươn mình tới thời đại kỷ nguyên số

Người Đưa Tin: Theo ông, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay, đã đặt ra những thách thức gì cho ngành VH-TT&DL tỉnh Bình Dương?

TS Cao Văn Chóng: Theo tôi, mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, ngành VH-TT&DL tỉnh Bình Dương vẫn gặp phải một số khó khăn, bao gồm thiếu nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực CNTT và năng lực ứng dụng công nghệ của cán bộ còn hạn chế.

Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng CNTT, chưa đồng bộ và một số đơn vị sự nghiệp còn sử dụng cơ sở vật chất cũ, lạc hậu. Ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT còn hạn chế, trong khi thủ tục hành chính phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị và giải pháp phù hợp, chúng tôi hy vọng sẽ khắc phục khó khăn và tận dụng cơ hội phát triển bền vững.

Người Đưa Tin: Vậy đâu là "chìa khoá" để vượt qua khó khăn, thử thách trong lĩnh vực Văn hoá, Thể thao du lịch, từ đó giúp nhà quản lý tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ, thưa ông?

TS Cao Văn Chóng: Theo tôi, để vượt qua thách thức trong lĩnh vực VH-TT&DL, sự sáng tạo và linh hoạt trong ứng dụng công nghệ số là "chìa khóa".

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền và quán triệt về tầm quan trọng của CĐS, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị trong ngành. Công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực phát triển.

Tiềm năng du lịch của Bình Dương qua "lăng kính" công nghệ số- Ảnh 3.

Tỉnh Bình Dương phát triển văn hoá giao thoa, lưu giữ những nét truyền thống nhưng song hành phát triển CĐS.

Các đơn vị cần chủ động tìm kiếm và áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp. Đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực công nghệ cho cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu CĐS.

Người Đưa Tin: Để quá trình CĐS tại Sở VH-TT&DL Bình Dương diễn ra hiệu quả, hiện nay có cần một mạng lưới kết nối giữa các đơn vị và sự hợp tác giữa nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp nhằm cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tài nguyên không thưa ông?

TS Cao Văn Chóng: Bình Dương mới đây đã công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm giới thiệu tầm nhìn phát triển, thu hút đầu tư và quảng bá tỉnh ra thế giới.

Sự kiện này cũng đánh dấu Bình Dương được vinh danh TOP 1 ICF năm 2023, khẳng định chiến lược phát triển thành phố thông minh là đúng đắn.

Đây là cơ hội thúc đẩy quá trình CĐS tại Sở VH-TT&DL Bình Dương, tạo mạng lưới hợp tác giữa các tỉnh, thành và doanh nghiệp theo mô hình "hợp tác 3 nhà", chia sẻ nguồn lực và phát triển giải pháp công nghệ.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần đẩy mạnh hợp tác từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt trong việc xây dựng nền tảng công nghệ chung và chia sẻ dữ liệu.

Người Đưa Tin: Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương có dự định gì để tiếp tục đẩy mạnh CĐS, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh Bình Dương đang hội nhập và ngày càng phát triển nhanh chóng?

TS Cao Văn Chóng: Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, yêu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý trở nên quan trọng và cấp thiết. Để thực hiện CĐS hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ số, xây dựng hệ thống thông tin liên thông giữa các đơn vị trong ngành, và nâng cấp trang thiết bị công nghệ để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và phục vụ người dân.

Thể thao Bình Dương là một trong những mảng được nhiều người biết đến, hiện nay chuyển đổi số được áp dụng trong hàng loạt các khâu từ tổ chức, nhân sự, vận động viện để đồng bộ quản lý số hoá.

Thể thao của tỉnh Bình Dương là một trong những mảng được nhiều người biết đến, hiện nay CĐS được áp dụng trong hàng loạt các khâu từ tổ chức, nhân sự, vận động viện để đồng bộ quản lý số hoá.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành, sử dụng phần mềm quản lý và công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả, đồng thời số hóa hồ sơ, tài liệu để giảm thủ tục hành chính.

Thư ba chúng tôi sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch số, khuyến khích doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ thực tế ảo và trò chơi tương tác để thu hút khách, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ tư, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, công chức về CNTT để làm việc hiệu quả hơn trong môi trường số.

Thứ năm, chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế của Bình Dương khi là đối tác của các tổ chức quốc tế uy tín, mở rộng cơ hội phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời quảng bá hình ảnh Bình Dương ra thế giới.

Và cuối cùng, đảm bảo an toàn thông tin, thực hiện các biện pháp bảo mật dữ liệu hiệu quả trong quá trình CĐS.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tiem-nang-du-lich-cua-binh-duong-qua-lang-kinh-cong-nghe-so-a200402.html