Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng thêm nhiều chương trình tham quan với nội dung hấp dẫn. Đến nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức được 3 tour Đêm thiêng liêng: Đêm thiêng liêng 1 - Sáng ngời tinh thần Việt, tái hiện những câu chuyện tiêu biểu về cuộc sống lao ngục tối tăm, khắc nghiệt, bị tra tấn, đàn áp dã man trong "địa ngũ trần gian". Đó là những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng hay tình đồng chí gắn bó, keo sơn.
Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa, là lời tri ân đối với công lao, đóng góp và sự hi sinh to lớn của các nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930 – 1954). Qua những câu chuyện, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị hiện lên như những đóa hoa kiên cường trong bão táp.
Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân, với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt của những chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò. Tiêu biểu như hoạt cảnh về đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đón nhận cái chết bởi máy chém trước cổng chính Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ; biến nhà tù thành trường học cách mạng; vượt ngục năm 1945… Các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con ưu tú của dân tộc trong khó khăn, gian khổ vẫn giữ vững khí tiết kiên trung đến giây phút cuối cùng.
Với khuôn viên rộng hơn 2.000m2 Di tích hiện còn giữ được những khối kiến trúc, di vật, hiện vật gốc, Đài Tưởng niệm và hệ thống trưng bày thường xuyên tại Di tích đã giới thiệu tới công chúng về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò từ khi bắt đầu được thực dân Pháp xây dựng (năm 1896) cho đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (tháng 10/1954); thời kỳ thực dân Pháp sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam và giai đoạn 1964 - 1973, khi Chính phủ Việt Nam tạm sử dụng một phần nhà tù Hỏa Lò để giam giữ tù binh phi công Mỹ.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Đơn vị cũng luôn tích cực tìm tòi, đổi mới hình thức thể hiện, tăng cường trải nghiệm thực tế không gian trưng bày chuyên đề với nội dung, đề tài phong phú gắn liền với các sự kiện lịch sử hay các ngày lễ trọng đại của đất nước; xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế và biểu diễn các hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung trưng bày…. Qua đó, giúp công chúng có cái nhìn chi tiết trong từng giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước.
TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, các chương trình trải nghiệm tại di tích được thực hiện bằng nhiều hình thức như: giao lưu với nhân chứng lịch sử; thi tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò được tổ chức thường xuyên và mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Tham gia các cuộc giao lưu, cuộc thi tìm hiểu về di tích, công chúng được trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là những cựu tù đã từng bị thực dân Pháp bắt và giam tại Nhà tù Hỏa Lò, được nghe kể về chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân, những gian khổ, hy sinh mà các thế hệ cha anh đi trước đã phải trải qua, để các thế hệ ngày nay được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Các chương trình trải nghiệm dành cho học sinh như “Rung chuông vàng”, “Thi vẽ tranh về Nhà tù Hỏa Lò”, “Em học làm thuyết minh” được tổ chức tại di tích đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh và sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bậc phụ huynh. Đây là những sân chơi bổ ích, lý thú dành cho các em học sinh. Tham gia chương trình, các em có cơ hội giao lưu, tương tác, được tham gia trải nghiệm thực tế giúp cho những bài học lịch sử trở nên sống động, dễ hiểu, dễ nhớ.
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử qua chính lời kể của những người tù chính trị về cuộc sống khó khăn trong chốn lao tù… Du khách cũng có thể tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts. Tại đây, 3 chương trình trưng bày trực tuyến mang tên "Thắp lửa yêu thương", "Sắt – Son", "Lời thề quyết tử" được truyền tải qua giọng đọc cảm xúc khiến khán, thính giả dễ dàng tiếp cận câu chuyện lịch sử hơn. Tận dụng sức hút, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook, đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng trang Facebook "Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic" với những bài viết hấp dẫn vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa gần gũi, đại chúng, mỗi bài viết trên trang Facebook đều thu hút lượng lớn người thích và bình luận.
Đến với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách cũng đặc biệt ấn tượng với trải nghiệm: thưởng thức các thức quà từ cây bàng trăm tuổi duy nhất còn lại tại di tích. Xuất phát từ câu chuyện các chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa: dùng lá bàng, búp bàng non để chữa bệnh đường ruột; dùng lá bàng bánh tẻ để đắp lên vết thương do đòn roi tra tấn của kẻ thù, hay ăn những quả bàng chín cả vỏ lẫn nhân mà hồi phục sức khỏe; cán bộ, nhân viên đơn vị đã sáng tạo ra trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng và một số sản phẩm lưu niệm khác từ lá và quả bàng.
Với những nỗ lực cố gắng, năm 2024, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò vinh dự được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen cho tập thể, đã có thành tích trong phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng"; Bằng khen đã có thành tích trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đổi mới.
Thời gian tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy tắc ứng xử nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống... tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, viên chức, người lao động.Song song với đó,tích cực học tập nâng cao lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nhằm đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội - TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/di-tich-nha-tu-hoa-lo-doi-moi-de-hap-dan-du-khach-a200457.html