Trong lịch sử đổi mới quân sự, ít hệ thống vũ khí nào có thể gói gọn bản chất của chiến tranh hiện đại và tầm quan trọng của sự hợp tác quốc phòng quốc tế sâu sắc như NLAW (viết tắt của cụm Next Generation Light Anti-tank Weapon - Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo).
Được phát triển thông qua quan hệ đối tác giữa Saab (Thụy Điển) và Thales (Anh), NLAW không chỉ định hình lại động lực chiến trường mà còn nhấn mạnh giá trị chiến lược của sự phát triển hợp tác trong việc giải quyết các thách thức quân sự đương đại.
Hệ thống tên lửa chống tăng NLAW nổi bật với các thông số kỹ thuật tinh vi, được thiết kế để mang lại tính linh hoạt và khả năng sát thương vô song.
Ảnh: Telegraph, Army Recognition
Đây là hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) có cơ chế phóng mềm cho phép triển khai trong không gian hạn chế – một lợi thế quan trọng trong chiến tranh đô thị.
NLAW cũng có thể được khai hỏa từ các vị trí kín có diện tích nhỏ tới 4 x 2,5 x 2,5 m, giúp giảm đáng kể khả năng tiếp xúc của bệ phóng với hỏa lực của đối phương.
Với chiều dài 1.016 mm, trọng lượng tổng thể 12,5 kg (28 lbs) và trọng lượng tên lửa 6,5 kg (14 lbs), NLAW đạt được sự cân bằng tối ưu giữa tính di động và khả năng hủy diệt.
Đầu đạn nặng 1,8 kg (4 lbs), được thiết kế để xuyên thủng lớp giáp xe tăng hiện đại, bao gồm cả những loại được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA).
Khai hỏa hệ thống tên lửa chống tăng NLAW vào mục tiêu. (Nguồn Telegraph)
NLAW hoạt động trong phạm vi hiệu quả 20-800 m, do đó mẫu "sát thủ diệt tăng" này phù hợp với cả chiến đấu cận chiến và giao tranh ở khoảng cách xa hơn.
Chế độ tấn công kép của hệ thống, OTA - Overfly Top Attack (tấn công từ trên xuống) và DA - Direct Attack (tấn công trực diện), cung cấp các chiến lược giao tranh toàn diện chống lại cả các mục tiêu bọc thép và không bọc thép.
Trong khi chế độ DA cho phép linh hoạt chống lại các mục tiêu và công sự không bọc thép, chế độ OTA khai thác lớp giáp yếu hơn ở phía trên xe tăng. NLAW có thể nhanh chóng hạ gục mục tiêu "chỉ bằng một đòn" tấn công từ trên cao.
Khả năng "bắn và quên" (fire and forget) của hệ thống tên lửa chống tăng NLAW, được tăng cường bởi hệ thống dẫn đường Predicted Line Of Sight (PLOS), cho phép người vận hành ẩn mình, giảm thiểu khả năng bị đối phương phản công.
NLAW có thể hạ gục mục tiêu “chỉ bằng một đòn”. (Nguồn Telegraph)
Quan trọng nhất là khả năng hoạt động của NLAW đã được thử nghiệm tối đa trên chiến trường Ukraine.
Trước khi xung đột leo thang vào năm 2022, Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine 2.000 đơn vị NLAW, với các đợt giao hàng tiếp theo đạt hơn 8.000 đơn vị trong suốt chiều dài cuộc chiến sau đó.
Cơ chế phóng mềm và khả năng khai hỏa trong không gian hạn chế của hệ thống tên lửa chống tăng NLAW đã chứng tỏ là vô giá trong bối cảnh đô thị đông đúc và các môi trường chiến thuật khác nhau của cuộc chiến, từ các khu vực xung đột cường độ cao đến các bối cảnh chiến tranh du kích và bất đối xứng.
Các lực lượng Ukraine đã tận dụng độ chính xác và dễ sử dụng của NLAW để tác động đáng kể đến các đoàn xe bọc thép và công sự của Nga. Hiệu quả của hệ thống này trong chiến đấu đô thị, nơi các cuộc giao tranh thường diễn ra ở phạm vi gần hơn và đòi hỏi khả năng cơ động nhanh, đã được ghi nhận.
Lợi thế về mặt hoạt động, tính linh hoạt và hiệu suất chiến đấu đã được chứng minh trong thực chiến của "hỏa thần" vác vai NLAW đã chinh phục một số quốc gia khác bên cạnh các quốc gia sáng tạo ra nó là Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Các lực lượng vũ trang trên khắp châu Âu, bao gồm Phần Lan, Luxembourg và Thụy Sĩ, đã tích hợp hệ thống tên lửa chống tăng NLAW vào kho vũ khí quân sự của họ. Pháp gần đây cũng đã quyết định mua NLAW để thay thế tên lửa ERYX ngay trong năm nay.
Việc NLAW được ưa chuộng rộng rãi như vậy này nói lên rất nhiều điều về khả năng thích ứng của hệ thống với các học thuyết chiến thuật và điều kiện chiến trường khác nhau.
Khi các chiến lược quân sự tiếp tục phát triển để ứng phó với các mối đe dọa và thách thức hoạt động mới nổi, hệ thống tên lửa chống tăng NLAW trở thành biểu tượng của sự đổi mới, khả năng phục hồi và tầm quan trọng lâu dài của hợp tác quốc phòng quốc tế.
Minh Đức (Theo Defence Industry Europe, Forces News)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/he-thong-ten-lua-chong-tang-nlaw-ha-guc-muc-tieu-chi-bang-mot-don-a200482.html