Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính phủ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển

Sáng 5/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính phủ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm quán triệt các chủ trương của Đảng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ để khắc phục các vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, xây dựng Chính phủ số trong tình hình mới.

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Media Quốc hội).

Xác định những vấn đề có tính nguyên tắc chung về nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để điều chỉnh chung với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, đồng thời thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, phục vụ nhân dân.

Mục tiêu xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính phủ sau tinh gọn sẽ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 35 điều. So với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 15 điều.

Trên cơ sở nội dung 3 chính sách đề xuất tại Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật, dự thảo Luật đã cụ thể như sau: Một là, hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Hai là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ.

Ba là, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan với chính quyền địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về "phân cấp", "ủy quyền" 

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ trình xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và thống nhất với các chính sách được đề xuất trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Về phân cấp (Điều 8), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung về phân cấp trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13078 ngày 14/1/2025, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để "tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ".

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung nguyên tắc phân cấp tại Điều 8 của dự thảo Luật như sau: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về "phân cấp", "ủy quyền" tại dự thảo Luật,đồng thời, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng: Khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính,tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Tùng cũng đề nghị làm rõ về việc cơ quan nhận phân cấp có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới hay không? 

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên quy định phân cấp tiếp để bảo đảm gắn việc phân cấp với các điều kiện, nguồn lực cần thiết và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan được phân cấp, tránh tạo thêm khâu trung gian trong quá trình tổ chức thực hiện.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sua-luat-to-chuc-chinh-phu-day-manh-phan-cap-phan-quyen-a200831.html