Cơ hội phát triển chăn nuôi theo tín hiệu thị trường

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.

Cơ hội phát triển chăn nuôi theo tín hiệu thị trường- Ảnh 1.

Dự kiến năm 2025 sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,53 triệu tấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương


Mục tiêu sản lượng thịt hơi trên 8,6 triệu tấn

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 8,6 triệu tấn (tăng 4,5%); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 5,4 triệu tấn (tăng 5%); sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,53 triệu tấn (tăng 4,2%); sản lượng trứng các loại khoảng 21 tỷ quả (tăng 4%); sản lượng sữa đạt trên 1,25 triệu tấn (tăng 4,8%); sản lượng mật ong 26.000 tấn (tăng 9,2%); sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22 triệu tấn (tăng 2,6%).

Năm 2024 vẫn là một năm về đích của ngành chăn nuôi khi giá trị toàn ngành vẫn chiếm hơn 26% GDP, ước giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5,4% so với năm 2023. Một trong những yếu tố thúc đẩy là do giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng và giá thức ăn chăn nuôi giảm đã tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất.

Giá thịt lợn hơi đã tăng mạnh từ mức 52.500 đồng/kg lên mức đỉnh 69.000 đồng/kg (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024 do nguồn cung khan hiếm. Sau đó, giá lợn đã giảm về mức hơn 60.000 đồng/kg và hiện đã tăng trở lại. Giá lợn hơi dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tết Nguyên đán đã qua do nhu cầu vẫn cao trong mùa lễ hội.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ trong năm 2024 như ngô giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước; khô đậu tương giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước; cám gạo chiết ly giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước…

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, sản lượng thịt hơi các loại của Việt Nam tăng 3,5% so với năm 2023, lên mức 8,1 triệu tấn trong năm 2024, bao gồm thịt lợn hơi đạt 5 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; thịt gia cầm hơi đạt 2,4 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam xếp thứ 4 về tiêu thụ thịt lợn, ước tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2026 khoảng 3,8%/năm.

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (OECD – FAO) cũng cho biết, giai đoạn 2025 – 2033, nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt bò nhìn chung sẽ giảm dần và được thay thế bằng thịt gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt lợn sẽ vẫn tăng nhẹ đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Cơ hội phát triển chăn nuôi theo tín hiệu thị trường- Ảnh 2.

Vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát giết mổ vẫn là những thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong năm 2025

Thúc đẩy cải tổ ngành chăn nuôi

Bộ NN&PTNT đã giao mục tiêu cho ngành chăn nuôi năm 2025 có tốc độ gia tăng giá trị đạt 4,0 – 5,0%; sản lượng thịt hơi khoảng 8,4 triệu tấn; sản lượng trứng 20,2 tỷ quả; sản lượng sữa 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,05 triệu tấn.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát giết mổ vẫn là những thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong năm 2025. Ngoài ra, thủ tục hành chính và các quy định trong quản lý vật tư chăn nuôi, thú y còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí sản xuất và lỡ cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2025 yêu cầu ngành chăn nuôi cần tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và an toàn sinh học.

Thứ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết của việc rà soát lại các văn bản pháp luật chưa phù hợp; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt và chăn nuôi, đẩy mạnh tiêm vaccine để xây dựng vùng an toàn sinh học.

Việc đầu tư theo chuỗi, phát triển kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế phải được coi là trọng tâm, với mục tiêu thu hút thêm đối tác nước ngoài, cải thiện thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Mô hình chăn nuôi trang trại đang định hình lại ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp ngành trở nên ngày càng bền vững bằng cách giảm bớt tác động của dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi. Với lợi thế về quy mô, cơ sở hạ tầng và vốn, các doanh nghiệp chăn nuôi dễ dàng áp dụng công nghệ cao vào quá trình chăn nuôi, giúp giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là tiêu tốn ít thức ăn trên mỗi kg tăng trọng, báo cáo đề cập.

Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng 3% so với năm trước nhờ dự kiến mở rộng đàn lợn sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt hơn.

Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với năm trước và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.

Cũng theo các nhà phân tích, những thay đổi về cung cầu thị trường tới đây sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi cải tổ, khi người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng và tình hình dịch bệnh phức tạp sẽ làm giảm hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong khi đó, thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín quy mô lớn ngày càng tăng nhờ lợi thế về chi phí sản xuất và tỷ lệ hao hụt thấp.

Đổi mới công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này. Công nghệ sẽ được áp dụng nhiều hơn vào lĩnh vực chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là hình thức chăn nuôi trang trại.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Vaccine đóng vai trò tiên quyết trong chăn nuôi an toàn sinh họcVaccine đóng vai trò tiên quyết trong chăn nuôi an toàn sinh học
Tham khảo thêm
Công nghiệp hóa chăn nuôi theo hướng xanh, bền vữngCông nghiệp hóa chăn nuôi theo hướng xanh, bền vững

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/co-hoi-phat-trien-chan-nuoi-theo-tin-hieu-thi-truong-a200862.html