Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự kiến, sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các cơ quan của Quốc hội sẽ gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.

Dự kiến các cơ quan của Quốc hội sau sắp xếp

Chiều 6/2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. 

Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban. Ngoài ra, còn có Văn phòng Quốc hội.

Dự kiến, theo phương án sau sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Dự kiến sau sắp xếp, các cơ quan của Quốc hội giảm 4 ủy ban so với hiện nay do sáp nhập. 

Đồng thời, 2 ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nâng lên thành ủy ban của Quốc hội. Như vậy, nếu tính tổng, Quốc hội sẽ giảm 2 ủy ban sau sắp xếp, tinh gọn.

Theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan. Nên sử dụng cụm từ "cơ quan của Quốc hội" thay vì cụm từ "cơ quan chuyên môn của Quốc hội".

Ban soạn thảo thấy rằng trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong luật là phù hợp.

Điều này thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy.

Việc sử dụng cụm từ "cơ quan chuyên môn của Quốc hội" là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này.

Góp ý vào nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi các cơ quan hướng đến thực hiện công việc mang tính chuyên môn hóa cao, song không đồng nghĩa với việc những cơ quan này là "cơ quan chuyên môn" của Quốc hội.

Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng không nên dùng từ "chuyên môn", còn đương nhiên các cơ quan này phải có chuyên môn thì mới thực hiện được nhiệm vụ.

Dự kiến cơ cấu các cơ quan của Quốc hội

Về cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, dự thảo luật Tổ chức Quốc hội cũng đã bỏ các quy định về ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách hiện nay. 

Theo đó, cơ cấu Hội đồng Dân tộc và các ủy ban chỉ còn: Chủ tịch, các phó chủ tịch, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên.

Các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sẽ là thành viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Một điểm mới nữa là dự thảo luật quy định Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội có đơn vị giúp việc. 

Theo dự kiến, các vụ chuyên môn giúp việc đang thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội sẽ được chuyển tương ứng về các Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo luật cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị giúp việc của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội; quyết định biên chế và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ công chức giúp việc cho Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban sau sắp xếp- Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Dự thảo luật cũng bỏ Ban Thư ký Quốc hội, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội đang được quy định tại luật hiện hành. 

Đồng thời, dự luật quy định rõ Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Tập trung cao độ, nỗ lực tối đa để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội bất thường

Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giữ nguyên cách gọi "cơ quan của Quốc hội" như luật hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, ủy ban như dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc định cho rằng, hồ sơ dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quoc-hoi-du-kien-co-hoi-dong-dan-toc-va-7-uy-ban-sau-sap-xep-a200994.html