Chuyện phụ thu ngày Tết

Nước ta lâu nay đã quá quen với điệp khúc "phụ thu Tết". Thực ra, nó là một thực tế cần chấp nhận.

Ví dụ phương tiện giao thông công cộng. Do đặc điểm địa hình, nước ta trải dài về 2 đầu, và các trung tâm thu hút nhiều nhân công lao động cách xa các vùng quê, nên Tết người đổ về quê rất đông. Và sau Tết lại nghìn nghịt chiều ngược lại. Và vì thế, đa phần các phương tiện vận tải công cộng thường chạy rỗng một chiều. Dân xe gọi là chạy "thả" hoặc chạy "gió". Hàng không cũng thế. Và để bù vào chuyện "thả", "gió" ấy, người ta phải tăng vé chiều đông khách để bù phần rỗng.

Mấy năm gần đây cứ gần Tết hoặc các ngày nghỉ dài, nhà nước thường "đón đầu" bằng các quy định cấm "tăng giá vé". Và để né quy định ấy thì các nhà xe bèn tăng... người. Ngay năm nay, đã có nghị định 168 nghiêm như thế nhưng vẫn có một số nhà xe vi phạm, và bị phạt rất nặng. Tất nhiên là chỉ số ít bị phát hiện, còn lại thì... không biết. Bởi khi biết bị phạt nặng mà vẫn vi phạm thì người ta đều có niềm tin là, có khi không bị phát hiện, thì thôi may nhờ rủi chịu.

Ví dụ các quán ăn, quán cà phê, đặc biệt là quán cà phê và ăn sáng, đa phần cũng đều treo biển phụ thu. Nhà hàng thì Tết thường không mở vì hầu như rất ít khách, họ "ăn Tết" ở nhà, nhưng ăn sáng và đặc biệt là cà phê thì không bỏ được.

Và ai cũng biết là, công làm Tết thường phải trả gấp đôi hoặc gấp ba ngày thường. Ngay các cháu sinh viên, nhiều cháu không về Tết, ở lại làm thêm để bù chi tiêu với bố mẹ, thì Tết sẽ là dịp kiếm tiền nhiều hơn ngày thường, và chuyện các quán cà phê phụ thu thì hầu như ai cũng chấp nhận.

Nhưng, nó lại có hiện tượng là, lợi dụng ngày Tết để tăng giá vô tội vạ.

Vụ ở Nha Trang là một ví dụ rõ nhất. Khách Trung Quốc vào ăn bị tính: một cà tím nướng mỡ hành 1.890.000 đồng; một rau muống xào tỏi 500.000 đồng; một cơm trắng 250.000 đồng; một bò viên xiên que 950.000 đồng; một trứng vịt lộn 350.000 đồng; một bia Tiger 100.000 đồng; một nước ngọt Coca 100.000 đồng;... Tổng tiền ăn ghi trong hóa đơn là 15.724.000 đồng. Song tổng số tiền khách phải trả là 20.441.200 đồng, tính kèm phần "phụ thu ngày Tết". Đã chém như chém... chuối vẫn còn phụ thu. Và kết quả là ngay hôm sau khi bị "bóc phốt" trên mạng, nhà hàng này đã hạ biển hiệu, âm thầm đóng cửa, cơ quan chức năng chưa làm việc được với chủ nhà hàng, mà như một tờ báo miêu tả là "bất hợp tác", và nếu thế thì lỗi sẽ càng nặng.

Chuyện phụ thu ngày Tết- Ảnh 1.

Quán ăn bị tố "chặt chém" đã tháo biển hiệu (ảnh: Báo Thanh niên).

Phú Yên, hàng xóm của Nha Trang, cũng bị tố, một quán ăn bên đường vừa bị phạt tới 8.250.000 đồng vì không đăng ký kinh doanh và không niêm yết giá công khai như quy định.

Trước đó ở Hà Nội, một quán bún cũng bị "tạm đình chỉ" vì thu 3 bát bún 1.200.000 đồng.

Tất nhiên tất cả các vụ bị tố "chặt chém" đều có lý do để họ làm thế và để họ thanh minh. Bún thì anh chồng nhận "đùa" (nhưng tiền chuyển thì thật), nhà hàng Nha Trang thì bảo đấy là tính cho cả đoàn, quán Phú Yên thì bảo sau đó đã thương lượng và khách chỉ trả có 700.000 chứ không phải hơn một triệu như khách tố ban đầu, vân vân.

Và cái thiệt nhãn tiền đầu tiên là chính những "đao phủ"... chém, nhưng cái lớn hơn là môi trường xã hội bất ổn, người ta thiếu niềm tin khi ra ngoài đường, như các cụ xưa hay nói là "khỏi nhà ra thất nghiệp", người ta rụt rè trước các ngoại cảnh khách quan.

Và nữa, quả là, cái sự chặt chém ở nước ta, nó không chỉ có ở Tết, nhưng Tết là thời cơ để họ tập trung, dồn dập làm việc ấy.

Chứ trước đấy, mươi năm trước, chúng ta đều nhớ suốt trên các con đường có xe khách chạy đều có các quán cơm tù. Nó diễn ra công khai ngày này qua ngày khác, một thời gian dài, như một tất yếu trên đường. Tới lúc không thể chịu được nữa, báo chí vào cuộc, thì mới chấm dứt được về cơ bản. Nói về cơ bản là bởi, những quán ăn chặt chém bây giờ cũng chả khác gì cơm tù ngày xưa về tính chất, chỉ khác không có... rào, có cổng.

Rồi nữa, các thành phố du lịch nổi tiếng cũng đều có những quán, những nhà hàng chặt chém, đa phần là các nhà hàng, quán... có yếu tố mờ ám.

Nhớ có lần tôi ghé Đà Lạt, chứng kiến một vụ mấy thanh niên bị lừa vào một quán cà phê ôm và bị lột sạch tiền, trang sức, còn bị đánh nữa. Tôi và nhà báo Hoàng Ngọc Hận của báo Lâm Đồng đã vào cuộc. Anh Hận viết cho báo Lâm Đồng, tôi viết cho tờ báo mà tôi đang hưởng lương trách nhiệm. Và ngay sau đấy, công an Đà Lạt vào cuộc, và Trưởng công an Đà Lạt đã nhắn tin cám ơn tôi và anh Hận.

Cái sự lợi dụng lúc đông, có sự kiện, dịp lễ Tết... để chặt chém biểu hiện một ý thức hết sức ăn xổi ở thì, hết sức rị mọ, lợi bất cập hại. Các cụ ta xưa hay ví đấy là kiểu "tham bát bỏ mâm", thấy cái lợi trước mắt mà không tính cái lâu dài.

Tất nhiên nó cũng liên quan tới sự sâu sát của chính quyền, của chính những nhân viên phụ trách. Ví dụ các hãng xe lớn đều công khai giá vé, cung đường, giờ giấc di chuyển... thì không thể có kiểu đón khách dọc đường rồi chém được. Nhưng cái này cũng có lỗi của người bị chém, ấy là không chịu mua vé từ đầu bến mà thích đón xe dọc đường, cho tiện. Lên xe không có chỗ ngồi, rồi bị tính giá trên trời mới la làng.

Cũng như thế là khi vào quán ăn, nhà hàng, không chịu hỏi giá, cứ ăn đại, tới lúc tính tiền mới... bóc phốt.

Và không chỉ chuyện ăn, di chuyển, hầu như dịch vụ gì ngày Tết cũng tăng giá, lý do... Tết mà, từ giữ xe tới rửa xe, bơm xe... vân vân.

Thực ra nhiều người sử dụng dịch vụ đều hiểu, giá Tết nó có khác ngày thường, nhưng cần thông báo rõ ràng, và nó cũng một vừa hai phải, như ly cà phê có thể tăng vài ngàn vì phải trả công phục vụ cao hơn ngày thường, chứ tăng gấp đôi gấp ba kiểu bắt bí thì khó có thể thông cảm.

Và nữa, lên rồi thì hết Tết nhớ... xuống. Nhiều dịch vụ đã sau Tết rồi nhưng vẫn nghĩ là... đang Tết, nên cứ giữ nguyên giá.

Hôm mùng 6 Tết, tôi phải đi vá cái lốp xe bị đinh từ mùng 4, cứ bơm tạm đợi ngày tiệm lốp mở cửa, tôi là người vào vá đầu tiên. Tiền công như cũ, nhưng tôi vẫn lì xì cho cháu trực tiếp vá cho mình, và thấy thoải mái vì nó hợp lý hợp tình...

Cũng như thế, nhiều bạn tôi lên quán cà phê quen đầu năm, đều lì xì cho các cháu nhân viên. Có ông hào phóng, lì xì cho cả... bà chủ.

Tức là, bên cạnh là người tiêu dùng thông minh thì cũng cần người tiêu dùng có tình. Và "đối tác" là những người làm dịch vụ cũng cần văn minh, trọng chữ tín với khách hàng...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-phu-thu-ngay-tet-a201013.html