Giá cà phê lập đỉnh, nông dân Gia Lai phấn khởi đón vụ mùa mới

Giá cà phê tăng cao kỷ lục khiến bà con nông dân tỉnh Gia Lai phấn khởi, cùng nhau ra đồng chăm bón vườn cây với hy vọng một năm mới tiếp tục được mùa, được giá.

Giá cà phê cao kỷ lục

Sau những ngày Tết đoàn viên bên gia đình, bà con nông dân trồng cà phê ở Gia Lai lại hối hả ra đồng trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm. Trên những nương rẫy rộng lớn, người dân bắt đầu tưới nước, bón phân và chăm sóc cây trồng với hy vọng một vụ mùa bội thu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), cho biết: "Hiện nay, trên toàn huyện có hơn 18.000ha cà phê. Năm qua là một năm đầy phấn khởi đối với người dân trồng cà phê vì giá cả đã tăng lên mức kỷ lục. Đến nay, ngày 6/2, giá cà phê nhân đang ở mức 129.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái".

"Cây cà phê đã giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đông đảo người dân Gia Lai, đồng thời tạo ra sự phát triển bền vững cho kinh tế gia đình. Rất nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ cây trồng này. Không ít vùng nông thôn nghèo khó ngày nào đã trở thành những thị trấn, khu dân cư sầm uất, điển hình như các khu vực chuyên canh cà phê: Ia Sao, Ia H’rung (huyện Ia Grai) hay Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh)", ông Phan Đình Thắm nói thêm.

Giá cà phê

Sau Tết, người dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) tưới nước đợt một chống hạn cho cây cà phê.

Vì giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, nhiều hộ dân trồng cà phê trong huyện đã bắt đầu "xuất quân" tưới nước chống hạn cho vườn cà phê từ ngày mùng 2 Tết. "Đến nay, gần như tất cả các hộ trồng cà phê đều đã có mặt tại rẫy để chăm sóc vườn cây, với hy vọng vụ mùa mới sẽ bội thu", ông Thắm chia sẻ.

Theo ông Thắm, hiện nay, người dân đã bắt đầu tưới nước đợt một để chống hạn, đồng thời tiến hành cắt tỉa cành chồi, giúp vườn cà phê ra hoa đúng tiến độ. Để giảm thiểu tình trạng thất thoát nước và chuẩn bị ứng phó với tình trạng khô hạn, trong vụ Đông Xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai đã chủ động thành lập các tổ đội, điều phối nguồn nước tưới hợp lý.

UBND các xã cũng đã vận động người dân áp dụng các phương thức tưới như tưới bơm, tưới phun mưa và tiến hành nạo vét, tích trữ nước tại các vùng có ao, hồ, đầm để tăng độ ẩm tự nhiên, đồng thời tạo nguồn nước sẵn có để bơm tưới.

Các hoạt động khơi thông dòng chảy, nạo vét và tích tụ nguồn nước cũng được triển khai để đối phó với tình trạng nắng hạn kéo dài.

Phấn khởi ra đồng ngày đầu năm

Tại rẫy cà phê hơn 3ha của gia đình, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đang chăm chỉ kéo từng đoạn ống nước dài, nối vào máy bơm để chuẩn bị tưới cho vườn cà phê.

Anh Hòa vui vẻ chia sẻ: "Mấy ngày Tết dù bận rộn nhưng tôi vẫn nhớ đến rẫy. Sáng nay, cả gia đình tôi cùng nhau ra vườn, mở đầu năm mới để lấy may. Chăm sóc cây ngay từ bây giờ sẽ giúp có một vụ cà phê ngon, giá tốt vào cuối năm. Năm qua, giá cà phê cao, khiến bà con rất phấn khởi, nhiều gia đình thậm chí đã sắm ô tô đắt tiền đi du xuân".

Giá cà phê

Bà con ở "thủ phủ" cà phê háo hức làm việc ngày đầu năm.

Theo anh Hòa, đối với những người gắn bó cả đời với cây cà phê, việc ra vườn ngay từ đầu năm không chỉ là thói quen mà còn là niềm vui, là động lực để tiếp tục hành trình chăm sóc những hạt cà phê thơm ngon từ vùng đất đỏ bazan.

Dù công việc chăm sóc vườn cà phê rất vất vả, nhưng trên khuôn mặt anh Trần Văn Dũng (ngụ xã Ia Sao, huyện Ia Grai) luôn rạng ngời nụ cười.

Anh Dũng vui vẻ nói: "Cứ vào dịp đầu năm, tôi lo lắng đủ thứ, từ giá cả đến thời tiết. Nhưng năm nay, giá cà phê cao quá, bà con ai cũng vui mừng. Nhìn cây cối xanh tốt, giá cao, tôi cảm thấy như đang mở đầu một năm đầy hy vọng".

"Giá cao thì mình càng phải chăm sóc cây tốt hơn để cuối năm có sản lượng cao, bán được giá tốt. Mấy năm trước, giá thấp khiến nhiều nhà chán nản, bỏ bê rẫy, nhưng giờ thấy giá như vậy, ai cũng muốn đầu tư chăm sóc lại. Tôi hy vọng giá cà phê sẽ duy trì ổn định, để người trồng cà phê có một cuộc sống khấm khá và vui vẻ hơn", Chị Trần Thị Hoa, vợ anh Dũng, nói thêm.

Không chỉ riêng gia đình anh Dũng, nhiều nông dân khác cũng tranh thủ ra đồng từ sớm để tưới nước và bón phân cho vườn cây.

Giá cà phê

Công việc tưới cà phê vất vả, nhưng giá cao nên người dân vẫn rất phấn khởi.

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?Giá cà phê tăng dựng đứng: Nông dân phấn khởi, doanh nghiệp "vừa mừng vừa lo"Giá cà phê liên tục "lập đỉnh", người dân tính "trăm phương ngàn kế" bảo vệ nông sản

Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh hiện có hơn 105.000ha diện tích trồng cà phê, trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.

Cà phê được trồng tại 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh, với gần 60.000 ha được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như: VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic…

Chủ yếu là cà phê Robusta, với năng suất đạt hơn 3,9 tấn/ha và sản lượng hơn 400.000 tấn mỗi năm. Đến nay, cà phê Gia Lai đã được xuất khẩu sang 60 quốc gia trên thế giới.

Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, tỉnh đang ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy cho việc sơ chế cà phê bằng phương pháp khô.

Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê theo quy mô vừa và áp dụng phương pháp chế biến bán ướt đối với cà phê vối, nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho các công đoạn chế biến tiếp theo.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gia-ca-phe-lap-dinh-nong-dan-gia-lai-phan-khoi-don-vu-mua-moi-a201024.html