Nội dung dự thảo Luật Nhà giáo cơ bản đã được thống nhất

Với sự tác động lớn, có nhiều vấn đề khó chi tiết hết trong các quy định của luật, do đó dự thảo Luật Nhà giáo hướng tới đáp ứng được những yêu cầu lớn.

Sáng 7/2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 42, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo trước đó đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).

Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo với 131 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Đến nay, về cơ bản các cơ quan đã thống nhất ý kiến về nội dung của dự thảo Luật và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Nội dung dự thảo Luật Nhà giáo cơ bản đã được thống nhất- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình.

"Việc chỉnh lý như trên khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động", ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm

Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.

Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Nội dung dự thảo Luật Nhà giáo cơ bản đã được thống nhất- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định của các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến góp ý vào các nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các ý kiến góp ý, thảo luận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; điều động, thuyên chuyển nhà giáo… Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, thông qua Luật Nhà giáo.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tiếp thu nghiêm túc để chỉnh sửa, hoàn thiện trong phạm vi có thể các ý kiến góp của của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 42.

Giải trình một số vấn đề cụ thể về nghĩa vụ nhà giáo, phân cấp tuyển dụng nhà giáo, nghĩa vụ nhà giáo, quy định những điều nhà giáo không được làm…, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ, dự thảo Luật Nhà giáo là luật mới, lực lượng nhà giáo đông, nhiều vấn đề khó chi tiết hết trong các quy định của Luật, do đó dự thảo Luật hướng tới đáp ứng được những vấn đề lớn, yêu cầu lớn.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/noi-dung-du-thao-luat-nha-giao-co-ban-da-duoc-thong-nhat-a201107.html