Giá hàng hóa, dịch vụ tăng “phi mã” cùng giá xăng

Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều lo lắng khi giá hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu và khí đốt leo thang.

Sức mua thấp, giá tăng cao 

Ngay từ sau Tết Nguyên đán đến nay xăng, dầu, gas liên tục tăng giá khiến nhiều mặt hàng thiết yếu thiết lập mặt bằng giá mới.

Theo thông tin từ Kinh tế đô thị, công ty TNHH Dinh dưỡng 3A vừa thông báo tăng giá 5% với 45 mặt hàng nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Tương tự  Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 21 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thuộc nhãn hàng Frisolac và Friso.

Tại các chợ truyền thống, hiện giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục ở mức cao, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể, bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá hàng hóa, dịch vụ tăng “phi mã” cùng giá xăng

Giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ tại các chợ truyền thống. Ảnh: Kinh tế đô thị. 

Các loại rau khác như rau ngót, cải canh trước đây được bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/mớ, nay tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/mớ. Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 50.000 đồng/kg, thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại siêu thị Top Market (Đống Đa, Hà Nội) các sản phẩm của thương hiệu Acecook tăng giá nhẹ so với trước: Mì lẩu thái tôm có giá 173.100 đồng/thùng 30 gói, mì Hảo Hảo 3.600 đồng/gói và 103.800 đồng/thùng 30 gói, phở gà Đệ Nhất 6.400 đồng/gói...

Không chỉ mì ăn liền mà nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng... cũng đồng loạt tăng giá bán.

Từ đầu tháng 3, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott cũng thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Theo đó, sữa Abbott Grow Gold 3+ loại 1,7 kg có giá 726.000 đồng/hộp; Similac Neosure IQ loại 850 gram giá 562.000 đồng/hộp; Similac Alimentum Eye-Q loại 400 gram có giá 375.100 đồng/hộp...

Tiêu dùng & Dư luận - Giá hàng hóa, dịch vụ tăng “phi mã” cùng giá xăng (Hình 2).

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai. Ảnh: Kinh tế đô thị. 

Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%.

Một đầu mối cung cấp dầu ăn tại Tp.HCM cho biết giá cũng tăng liên tục do ảnh hưởng thị trường thế giới. Từ ngày 10/3, dầu ăn Meizan Gold, Cái lân, Orchild tăng 2.000 đồng/lít. Từ ngày 14/3, dầu ăn Neptune, Simply cũng đồng loạt tăng giá tương tự là 2.000 đồng/lít.

Trước thực tế giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, rau xanh tăng cao, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng, nhưng tác động không quá lớn.

“Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “té nước theo mưa”" - ông Nguyễn Minh Phong phân tích.

Loay hoay ứng phó 

Không chỉ ngành lương thực, thực phẩm cảm nhận được sức nóng của giá nguyên liệu mà doanh nghiệp (DN) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn không kém. 

Trao đổi với Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa Tp.HCM, cho hay đơn hàng xuất khẩu hiện tăng 10%-30% nhưng nhiều DN có khả năng không đạt lợi nhuận bởi chi phí cao trong khi giá bán không thể tăng. "Giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm chi phí là tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu giá rẻ nhưng đến nay, chưa DN nào tìm được" - ông Quốc Anh lo ngại.

Ở tầm vĩ mô, giảm thuế xăng, dầu được cho là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ - ngành để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT ở mức 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít, kg dầu. Mức giảm này dự kiến có hiệu lực đến ngày 31/12.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá hàng hóa, dịch vụ tăng “phi mã” cùng giá xăng (Hình 3).

Nguồn: Zing News. 

Theo Bộ Tài chính, các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Ireland, Ba Lan... đều đã giảm các loại thuế để kìm đà tăng giá xăng, dầu. Chẳng hạn, từ cuối năm 2021, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong vòng 6 tháng (đến hết tháng 4-2022). Nước này sẽ xem xét kéo dài việc giảm thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu nếu giá nhiên liệu vẫn tiếp tục cao trong tháng 3; đồng thời, xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thô nếu giá tăng do xung đột Nga - Ukraine. Tương tự, Thái Lan quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel; Ireland và Ba Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu trong năm 2022.

Dưới góc độ DN vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho rằng việc giảm thuế BVMT là động thái tích cực để chia sẻ khó khăn với người dân, DN trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, mức giảm như đề xuất của Bộ Tài chính chưa như kỳ vọng của DN. Ông kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế 50% thuế suất thuế BVMT để hỗ trợ DN mạnh hơn nữa.

Quan trọng là tránh tình trạng “té nước theo mưa” 

Nhận định với Zing News, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo tiếp tục tăng cao trước xung đột Nga - Ukraine, các doanh nghiệp sản xuất cần nỗ lực tiết kiệm chi phí, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất.

"Đối với các hoạt động vận tải, phải có sự tính toán kết hợp liên chuyến sử dụng được cả hai chiều. Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm", ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, không thể giữ giá mãi. Điều quan trọng là đưa giá xăng dầu vào chi phí sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, tránh tình trạng 'té nước theo mưa'.

Tại tọa đàm "Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngày 11/3, TS Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế IIF ở Washington D.C. cho rằng với việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế ở châu Âu, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải thách thức về giảm GDP và tăng lạm phát.

Tuy nhiên, nếu các DN và chính phủ Việt Nam có chính sách và định hướng thức thời, đây sẽ là thời điểm để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, dù thời gian đầu người dân và doanh nghiệp có thể chịu thiệt vì giá cả hàng hóa tăng.

Giá dầu có thể cán mốc 160 - 200 USD/thùng 

Giá dầu tăng chóng mặt vào ngày 8/3 ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của quốc gia này ở Ukraine. Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày thông báo kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022. Những động thái nêu trên khiến giá dầu WTI có thời điểm tăng 7% lên mức 128 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 7,7% lên mốc 132,75 USD/thùng.

Theo đài Al Jazeera, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới với năng lực sản xuất khoảng 7 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nguồn cung cho thế giới. Trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình 209.000 thùng dầu thô/ngày và 500.000 thùng các sản phẩm dầu khác từ Nga. Con số này chiếm khoảng 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và 1% tổng lượng dầu thô được xử lý bởi các nhà máy lọc dầu Mỹ. Chuyên gia năng lượng Cornelia Meyer của Công ty Mrl Corporation (Mỹ) khẳng định với tỷ giá hối đoái hiện tại, kinh tế Mỹ có thể chống chịu được tác động từ lệnh cấm nêu trên, đặc biệt là khi Washington không phụ thuộc vào nguồn dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Theo Reuters, nhiều khách hàng lớn của Nga, bao gồm Tập đoàn Shell (Anh), đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu của quốc gia này. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo giá dầu có thể cán mốc 160 USD/thùng nếu dầu thô của Nga tiếp tục bị "xa lánh", đặc biệt là khi triển vọng trở lại thị trường quốc tế nhanh chóng của dầu thô Iran đang nhạt dần do đàm phán giữa Tehran và các cường quốc rơi vào trạng thái trì trệ.

Trong trường hợp châu Âu chung tay Mỹ cấm vận dầu Nga, theo các nhà phân tích của Công ty Rystad Energy (Na Uy), giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng 200 USD/thùng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

Hương Anh (tổng hợp)

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/gia-hang-hoa-dich-vu-tang-phi-ma-cung-gia-xang-a20152.html