Trong tác phẩm Tây du ký, Tôn Ngộ Không là một nhân vật phức tạp với nhiều mâu thuẫn nội tâm. Việc Ngộ Không rời bỏ Đường Tăng rồi quay trở lại là một diễn biến quan trọng trong câu chuyện, thể hiện quá trình tu tâm và trưởng thành của nhân vật này.
Tôn Ngộ Không - Con khỉ ngông cuồng và kiêu ngạo
Tôn Ngộ Không, vốn là một con khỉ được sinh ra từ đá, đã trải qua quá trình học phép thuật và đạt được sức mạnh phi thường. Tuy nhiên, bản tính ngông cuồng và kiêu ngạo của Ngộ Không đã khiến hắn đại náo Thiên đình, chống lại cả Ngọc Hoàng. Sau khi bị Phật Tổ Như Lai giam cầm dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm, Ngộ Không nhận lời phò tá Đường Tăng đi lấy kinh với mục đích thoát khỏi kiếp nạn.
Việc Tôn Ngộ Không rời bỏ Đường Tăng rồi lại quay lại là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình tu luyện và trưởng thành của nhân vật này.
Mâu thuẫn với Đường Tăng và quyết định ra đi
Ngay từ đầu, mối quan hệ giữa Tôn Ngộ Không và Đường Tăng đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Ngộ Không, với bản tính tự do và phóng khoáng, không thể chấp nhận được sự nghiêm khắc và giáo điều của Đường Tăng. Đặc biệt, việc Đường Tăng trách mắng Ngộ Không vì đã giết chết những tên cướp đã khiến Ngộ Không cảm thấy bị oan ức và tức giận.
"Ta hết lòng phụng sự cho thầy, ấy vậy mà giờ gánh thêm tội sát sinh. Không đến đất Phật, Lão Tôn ta cũng không cần", Ngộ Không tuyên bố trước khi rời đi. Quyết định này cho thấy Ngộ Không vẫn chưa hoàn toàn hướng Phật, tâm của hắn vẫn còn đầy sự bất mãn và nổi loạn.
Cuộc gặp gỡ với Long Vương và sự thức tỉnh
Sau khi rời đi, Tôn Ngộ Không đến gặp gỡ Long Vương. Tại đây, khi trò chuyện Ngộ Không vô tình nhìn thấy bức tranh "Ba lần dâng giày ở Cầu Dĩ". Long Vương kể lại câu chuyện Trương Lương nhẫn nại nhặt giày cho Hoàng Thạch Công ba lần, nhờ đó mà được truyền thiên thư, trở thành mưu sĩ tài ba của nhà Hán và sau này đắc đạo thành tiên.
Long Vương nhân đó khuyên Ngộ Không: "Đại thánh không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được?".
Sau khi nghe Long Vương, Tôn Ngộ Không im lặng hồi lâu, nhận ra rằng nếu không tu tâm dưỡng tính, không chịu khó nhọc và không nghe lời dạy bảo, mãi mãi Ngộ Không sẽ chỉ là một yêu quái, không thể thành chính quả. Đây chính là khoảnh khắc giác ngộ của Ngộ Không, khiến Ngộ Không quyết định quay lại phò tá Đường Tăng, chấp nhận con đường tu hành gian khổ.
Việc Tôn Ngộ Không quay lại không chỉ là một sự kiện trong cốt truyện mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự trưởng thành và giác ngộ. Ngộ Không từ một kẻ ngông cuồng, kiêu ngạo đã dần học được sự khiêm nhường, kiên nhẫn và lòng từ bi. Đây là bước đầu tiên trên con đường tu luyện để Ngộ Không từ một yêu quái trở thành một vị thánh, cuối cùng đạt được chính quả.
Có thể nói, việc Tôn Ngộ Không rời bỏ rồi quay lại Đường Tăng là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong tâm tính và nhận thức của Ngộ Không. Qua đó, nhân vật này không chỉ trưởng thành hơn mà còn thể hiện được giá trị của sự tu tâm dưỡng tính trên con đường hướng Phật.
Quốc Tiệp (t/h)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vi-sao-ton-ngo-khong-roi-bo-duong-tang-roi-lai-con-quay-tro-lai-a201536.html