Dự chương trình nghệ thuật khai mạc có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương;
Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban, Sở, ngành và huyện Hưng Hà cùng đông đảo nnhân dân, du khách thập phương.
Lễ hội Đền Trần là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng đầu xuân, nhằm tri ân công lao của các vị vua, danh tướng nhà Trần - những người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014 và lễ hội Đền Trần Thái Bình đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng với nhiều nghi thức truyền thống trang nghiêm, trong đó có lễ bái yết tại sân trung tế Đền Vua trước thềm khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được coi là quê hương, nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây hơn 800 năm. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình - còn gọi là Thái Đường Lăng là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, nơi thờ tự các vua Trần. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần.
Các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Nơi này cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Từ năm 2014, Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2025 đánh dấu 800 năm ngày nhà Trần phát nghiệp, càng làm tăng thêm ý nghĩa của sự kiện năm nay.
Lễ hội không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống dân tộc mà còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Thái Bình, thúc đẩy huyện Hưng Hà trở thành trung tâm tăng trưởng phía Tây Bắc của tỉnh, kết nối với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tại lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu - Đất Thánh Nhân - Dấu thiêng Phật pháp - Phát tích vương triều Trần” tái hiện những câu chuyện lịch sử về các minh quân, danh tướng, thánh mẫu đã khai sáng vùng đất này.
Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn ca ngợi công đức của Vua Trần Nhân Tông - vị hoàng đế kiệt xuất, đồng thời là tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Các tiết mục nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại, với sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tự Long, NSƯT Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Bùi Thúy…
Trước đó, chiều ngày 10/2 đã diễn ra Lễ rước nước, tái hiện cuộc sống của tổ tiên nhà Trần trước khi lên làm vua gắn với nghề chài lưới trên sông. Lễ rước nước ở Lễ hội đền Trần Thái Bình là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc với ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp; đồng thời mang ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới gắn với sông nước.
Theo các bậc cao niên xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà), nơi lấy nước được gọi là Ngã ba Tuần Vường - nơi giao nhau của ba con sông lớn: Sông Luộc, sông Hồng và sông Thái Bình. Dòng nước trong mát, thanh tịnh nơi đây sẽ được dâng lên các vị vua Trần. Khi nước thiêng về đến đền, các làng và các đoàn cùng thực hiện tế lễ. Ba đến năm ngày tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra phân phát cho các giáp (làng) mang về chia cho các gia đình trong thôn, làng để lấy phúc.
Nghi lễ rước nước được phục dựng từ năm 2010 và duy trì thực hiện cho đến nay. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương và nghi thức đầu tiên trong Lễ hội đền Trần (Thái Bình).
Ngày nay, nghi lễ này đã trở thành nghi thức gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của cư dân vùng châu thổ sông Hồng sau một năm sản xuất. Theo ghi nhận, hàng nghìn người dân lẫn đông đảo du khách thập phương đã tập trung đông nghịt để tham gia lễ rước nước đền Trần tỉnh Thái Bình.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khai-mac-le-hoi-den-tran-2025-a201546.html