Tiếng Anh chiếm ưu thế trong lựa chọn môn thi thứ 3?

(PNTĐ) - Để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã “chốt” 3 môn thi vào lớp 10, trong đó quy định môn thi thứ 3 do Sở GD-ĐT lựa chọn và công bố sau khi kết thúc học kỳ 1. Hiện nay đã có một số tỉnh, thành công bố môn thi thứ 3, bước đầu cho thấy môn Tiếng Anh đang được lựa chọn nhiều.

Tiếng Anh chiếm ưu thế trong lựa chọn môn thi thứ 3? - ảnh 1
Năm 2025 là năm đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa

Lựa chọn môn thi Tiếng Anh vì phù hợp với xu hướng hội nhập
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm thu hút sự quan tâm của xã hội bởi tầm quan trọng của nó không kém gì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, kỳ thi này còn cam go hơn khi tỷ lệ chọi vào các trường công lập cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chọi vào các trường đại học. Do đó, việc dồn tâm sức học, ôn luyện sớm để đạt được kết quả tốt rất được phụ huynh và học sinh quan tâm. Những năm trước, các môn thi vào lớp 10 chưa thống nhất trên cả nước mà tùy thuộc vào từng tỉnh, thành phố quyết định thi 4 môn hay 3 môn. 

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018, thay vì để các tỉnh, thành tự quyết các môn thi, Bộ GD-ĐT đã quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở GD-ĐT lựa chọn. Tại Thông tư số 30/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT), Bộ quy định môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ 3 quá 3 năm liên tiếp. 

Bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng, môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý lựa chọn.

Môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3. Về thời gian làm bài thi, Bộ quy định: Môn Ngữ văn: 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ 3: 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp: 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.

Đến thời điểm này đã có hơn 10 tỉnh, thành công bố môn thi thứ 3 và đa số đều lựa chọn môn Tiếng Anh. Cụ thể, các địa phương đã công bố chọn 3 môn thi vào lớp 10 gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh có: TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ (chọn môn thi thứ 3 là Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp)… Các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Nam cũng đang dự kiến chọn môn Tiếng Anh là môn thi thứ 3.

Lý do chọn môn thi thứ 3 là Tiếng Anh được cho là phù hợp với xu hướng đào tạo hội nhập quốc tế. Hiện nay tại nhiều trường học, Tiếng Anh đang trở thành một trong những môn học trọng tâm. Cùng với đó, tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học lâu nay cũng chú trọng các chứng chỉ Tiếng Anh làm điều kiện xét tuyển sớm. Vì vậy, phong trào học ngoại ngữ (trong đó có Tiếng Anh) đang phát động mạnh mẽ trong nhiều trường học. Điển hình ở Hà Nội, ngày 9/1, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ". Đây là giải pháp nhằm cụ thể hóa kế hoạch thu hẹp khoảng cách về chất lượng dạy, học ngoại ngữ giữa các trường học khu vực nội thành và ngoại thành của Hà Nội.
Hà Nội: Mong sớm biết môn thi thứ 3
Sau Tết, tại Hà Nội, nhiều phụ huynh và học sinh nóng lòng mong chờ Sở GD-ĐT Hà Nội sớm công bố môn thi thứ 3 để có nhiều thời gian ôn luyện. Bởi so với các địa phương khác, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm của Hà Nội “cam go” nhất cả nước. Cuộc chiến cạnh tranh đỗ vào trường công lập rất quyết liệt và khó khăn do hệ thống trường công lập của Hà Nội chỉ đáp ứng đủ 60% học sinh dự thi, 40% học sinh còn lại phải vào học trong hệ thống dân lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề…

“Năm đầu tiên học thi theo chương trình mới nên em rất lo lắng và mong muốn biết môn thi thứ 3 sớm để có thời gian ôn tập được nhiều hơn. Mặc dù, chúng em đã có đề thi minh họa của các môn thi nhưng việc ôn nhiều môn cũng khiến em mất thời gian hơn là tập trung vào 3 môn thi chính thức” - Thu Hiền (lớp 9, Trường THCS Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói. 

Chị Lê Thu Hằng (Thanh xuân, Hà Nội) trăn trở: “Năm nào, Hà Nội cũng công bố môn thi chính thức vào lớp 10 muộn hơn so với các địa phương khác. Điều này khiến phụ huynh có con thi vào lớp 10 như chúng tôi rất lo lắng. Bởi để đỗ được vào trường công lập, con tôi đã phải học cật lực tất cả các môn để không bỏ sót kiến thức. Việc ôn luyện cùng một lúc 7 môn thi rất quá tải. Nếu như Sở công bố môn thi sớm thì sẽ giảm áp lực cho học sinh rất nhiều. Nhất là năm nay lại thi theo chương trình mới, không biết “độ khó” có tăng hơn mọi năm hay không?”.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 đầu tiên của chương trình mới đạt kết quả tốt, Sở đã sớm công bố cấu trúc định dạng và đề thi minh họa tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 để thầy cô và học sinh làm quen và tổ chức ôn luyện.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Ngày 29/8/2024, Sở đã công bố cấu trúc định dạng và đề thi minh họa của 7 môn học. Đề thi được xây dựng theo chương trình GDPT 2018. Cấu trúc định dạng của đề thi minh họa là cơ sở để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình GDPT 2018 và được các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm xây dựng. Đề thi minh họa 7 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

Theo đó, đề Ngữ văn và Toán có hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với 60 phút.

Theo Thông tư mới bổ sung quy định về tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD-ĐT giao quyền cho Sở GD-ĐT quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế. Các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc thực hiện theo quy định của Sở GD-ĐT nơi trường đặt trụ sở.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tieng-anh-chiem-uu-the-trong-lua-chon-mon-thi-thu-3-a201634.html