Thêm nhiều tổ hợp xét tuyển và ngành học mới

(PNTĐ) - Thời điểm này đã có gần 70 trường đại học công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Đáng chú ý, nhiều trường thay đổi phương án tuyển sinh với những điểm mới để phù hợp với kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thêm nhiều tổ hợp xét tuyển và ngành học mới - ảnh 1
Các thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024. Ảnh: VNU

Mở ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố các môn thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường đại học đã nghiên cứu bổ sung các tổ hợp xét tuyển và các ngành học mới để có thêm các chỉ tiêu xét tuyển, đáp ứng nhu cầu đào tạo. Hiện nay, để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học đã sớm công bố đề án tuyển sinh với nhiều phương án mới. 

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đứng đầu trong bổ sung chương trình đào tạo mới với 8 chương trình học mới gồm: Quản lý tài sản, An toàn và sức khỏe nghề nghiệp, Chương trình nghệ thuật và thiết kế (mỹ thuật ứng dụng), Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, Công nghệ thông tin (chuyên ngành an toàn thông tin), Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

 Tiếp đến, Trường Đại học Thương Mại mở thêm 7 chương trình mới gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật Kinh doanh (Luật Kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).

Cùng xu thế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở 6 ngành mới gồm: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững), Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh, Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới gồm: Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Xã hội học, Lịch sử, Công nghệ sinh học, Vật lý học. Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở 2 ngành mới là: Quan hệ lao động, Luật Thương mại quốc tế. Trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 2 ngành: Kỹ thuật hình ảnh y học, Công tác xã hội. 

Cùng với việc mở các ngành học mới, các trường đại học đều bổ sung và điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển mới để phù hợp với các môn thi của chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bổ sung 5 tổ hợp mới gồm: A0C (Toán, Lý, Công nghệ), A0T (Toán, Lý, Tin học), B0C (Toán, Hoá, Công nghệ), D0C (Toán, Tiếng Anh, Công nghệ), D0G (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và Pháp luật).

Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), bổ sung 2 tổ hợp có môn tin học là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học. Như vậy, cùng với 4 tổ hợp cũ (năm 2024) là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), năm 2025, trường có 6 tổ hợp xét tuyển.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) bỏ tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), thay vào đó dùng 2 tổ hợp truyền thống là A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) và bổ sung thêm 2 tổ hợp mới là: Toán, Tiếng Anh, Tin; Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trường Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên bổ sung tổ hợp xét tuyển khối xã hội là C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Tìm kiếm cơ hội trúng tuyển ở các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy
Do là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhiều phụ huynh và thí sinh theo dõi sát sao các phương án tuyển sinh của các trường đại học cũng như quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Khi biết Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu phương thức xét tuyển sớm, đồng thời, một số trường đại học giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhiều học sinh đã chuyển hướng tập trung tìm kiếm cơ hội ở các kỳ thi này. 

“Năm ngoái, các anh chị họ của em đều trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm. Năm nay, em theo dõi việc trúng tuyển bằng phương thức đó đối với em ít khả thi do em không có các tiêu chí phụ như chứng chỉ Ngoại ngữ, các giải học sinh giỏi… Vì vậy, em nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia và Đại học Bách khoa” - Nguyễn Khắc Hiếu (Trường THPT Lomonoxop, Nam Từ liêm, Hà Nội) nói. 

Chị Lê Thị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay có con gái thi tốt nghiệp lớp 12 cũng đang tìm kiếm cơ hội vào các trường đại học bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. “Qua tìm hiểu, tôi thấy hiện nay rất nhiều trường dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Vì thế, ngay từ đầu năm học, tôi đã hướng cho con tìm lớp để ôn thi và đăng ký các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường đại học tổ chức. Hy vọng, cháu sẽ đạt kết quả tốt trong các kỳ thi này để con đường vào đại học có nhiều cơ hội hơn” - chị Xuân nói. 

Năm 2025, cả nước có hơn 10 đại học và trường đại học tổ chức kỳ thi riêng. Trong đó kết quả của các kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội được nhiều trường dùng để tuyển sinh. Vì vậy, các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường này đều thu hút đông đảo thí sinh tham dự. Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đợt thi đánh giá năng lực. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3-4 kíp thi tại 30 điểm.

Ngày 5/2, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố lịch đăng ký, ngày và địa điểm thi, quy mô thí sinh của 6 đợt thi đánh giá năng lực năm 2025. Trong đó, đợt 1 diễn ra vào ngày 15 và 16/3/2025 với quy mô 10.000 thí sinh tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… tham gia thi. 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/them-nhieu-to-hop-xet-tuyen-va-nganh-hoc-moi-a201732.html