FPT bị xả 2.200 tỷ đồng trong hơn 1 tháng
Sau năm 2024 bán ròng hơn 93.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư nước ngoài, bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài.
Tính từ đầu năm 2025 đến phiên 12/2, khối ngoại đã bán ròng gần 12.000 tỷ đồng, trong đó "xả" ròng 11.000 tỷ đồng trên HoSE. Cùng giai đoạn này năm ngoái, con số mới chỉ khoảng 300 tỷ đồng.
Đà bán của khối ngoại dàn trải diện rộng, thế nhưng cái tên bị "xả" mạnh nhất là cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT. Chỉ trong hơn 1 tháng giao dịch, FPT đã bị khối ngoại bán ròng gần 2.200 tỷ đồng.
Điều này khiến room ngoại tại FPT "hở" 4,3%, tương ứng hơn 63 triệu đơn vị. Đây là con số thấp nhất trong nhiều năm qua của cổ phiếu công nghệ này.
Thực tế, khối ngoại đã bắt đầu giảm tỉ trọng FPT từ tháng 5-6/2024, khi cổ phiếu này liên tục tăng giá và phá đỉnh cùng xu hướng tăng trưởng của nhóm công nghệ toàn cầu. Thời điểm đó, room ngoại tại FPT cũng hở trên 4%.
Diễn biến cổ phiếu FPT kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Động thái đẩy bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FPT lên tục phá đỉnh. Chỉ trong năm 2024, cổ phiếu FPT có tới 42 lần vượt đỉnh, từ vùng giá 83.000 đồng hồi đầu năm.
Sang tháng 1/2025, mã này cũng phá đỉnh và lập kỷ lục ở mức 155.000 đồng/cổ phiếu trước khi hạ nhiệt trong những phiên gần đây.
Bên cạnh FPT, cổ phiếu VIC cũng bị bán ròng hơn 2.000 tỷ từ đầu năm. Mã VNM cũng lọt top bị bán ròng mạnh với giá trị xấp xỉ 970 tỷ đồng, MSN gần 860 tỷ đồng. Các mã như STB, SSI, FRT, MWG ghi nhận giá trị bán ròng trên 400 tỷ đồng trong vòng hơn 1 tháng qua.
Nâng hạng thị trường có thể là bước ngoặt
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI Research về diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu trong tháng 1 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục động thái thận trọng tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thống kê từ năm 2023 tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam lên gần 128.400 tỷ đồng. Tỉ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường như Việt Nam. Việc VNĐ mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn.
Song song đó, thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá mới, chất lượng. Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới rất ít, doanh nghiệp quy mô lớn lại càng hiếm hoi.
Theo SSI Research, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ chịu nhiều tác động trái chiều. Những yếu tố như kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), áp lực tỉ giá và chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump có thể hạn chế dòng vốn.
Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, điều này có thể giúp hạn chế việc rút ròng.
Ngoài ra, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell và triển khai các chính sách như hệ thống giao dịch KRX, Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường vốn trong trung và dài hạn.
Chuyên gia CTCK Agriseco cũng kỳ vọng dòng tiền của khối ngoại có thể tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025 khi các đợt hạ lãi suất của FED sẽ làm giảm bớt áp lực lên tỉ giá.
Cùng với đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường. Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến thị trường chứng khoán sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5 – 6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động.
Về cổ phiếu FPT, Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) nhận định mã này đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 25 lần, cao hơn đáng kể so với bình quân 3 năm ở mức 17 lần và tương đương trung vị của các công ty cùng ngành ở mức 25 lần.
Dù vậy, HSC cho rằng FPT xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn vì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến của tập đoàn là 20%, vượt xa mức bình quân 10% của các công ty cùng ngành.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khoi-ngoai-ban-rong-ky-luc-nang-hang-thi-truong-la-chia-khoa-a201863.html