Điều đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam, đệ nhất phu nhân Sierra Leone Fatima Maada Bio mặc áo dài truyền thống Việt Nam màu xanh lá cây nổi bật với biểu tượng trống đồng Đông Sơn, cây tre và chim hạc.
Theo đó, trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Julius Maada Bio cùng Phu nhân, ông Abu Bakarr Karim - Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp kiêm trợ lý thương mại của Tổng thống Sierra Leone; Trợ lý Tổng thống Sierra Leon, Đại sứ Sierra Leon đã có buổi làm việc với Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi (VAECA), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp kiêm trợ lý thương mại của Tổng thống Sierra Leone lưu niệm cùng đại diện Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi (VAECA), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Tại các buổi làm việc và gặp gỡ thân mật với các đối tác Việt Nam, ngài Abu Bakarr Karim - Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp kiêm trợ lý thương mại của Tổng thống Sierra Leone đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Sierra Leone và Phu nhân từ ngày 14 – 20/03/2022. Ông bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt về nền nông nghiệp Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ, hợp tác có hiệu quả của Việt Nam và Châu Phi trong phát triển nông nghiệp góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ sự quan tâm của đệ nhất phu nhân Sierra Leone Fatima Maada Bio về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thanh lịch trong tà áo dài mềm mại thướt tha nhưng lại rất tự tin, tỏa sáng, khẳng định những giá trị bản thân, luôn có sự bình đẳng với nam giới. Đồng thời, ông cho biết một trong những quan tâm của bà Fatima Maada Bio trong những ngày ở Việt Nam trao đổi cơ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, cũng như tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở hai quốc gia.
Với sự tư vấn hỗ trợ của Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi (VAECA), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Á hậu Miss U30 Việt Nam Hoàng Thị Trang Viên và NTK Hằng Nguyễn đã giúp đoàn Sierra Leone lên ý tưởng và thiết kế may bộ áo dài truyền thống Việt Nam giao thoa với văn hóa Sierra Leone cho đệ nhất phu nhân Fatima Maada Bio.
Theo chia sẻ của Á hậu Trang Viên và NTK Hằng Nguyễn thì bộ áo dài truyền thống của đệ nhất phu nhân Fatima Maada Bio có màu xanh lá cây nổi bật với biểu tượng trống đồng Đông Sơn, cây tre và chim hạc mang những ý nghĩa sâu sắc của giao thoa và kết nối văn hóa Việt Nam - Sierra Leone.
Áo dài truyền thống là biểu tượng tinh hoa văn hóa dân tộc gắn liền với hình tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam. Dù đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch, dịu dàng tựa tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, tà áo dài truyền thống Việt Nam còn là “sứ giả” quảng bá hình ảnh Việt Nam – Đất nước – Con người và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp, là di vật tiêu biểu của người Việt cổ thời kỳ dựng nước đã trở thành biểu tượng thiêng liêng kết tinh nhiều giá trị của nền văn hoá dân tộc. Hình ảnh ngôi sao trên mặt trống là đại diện cho hình ảnh tối cao trong thiên nhiên đó là mặt trời. Người xưa quan niệm mặt trời cung cấp năng lượng và ánh sáng cho họ nên họ tôn sùng và biết ơn. Hình ảnh các loài chim thể hiện cho sự sùng bái thiên nhiên. Với quan niệm chim chính là tổ tiên của loài người, hình ảnh quả trứng trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ hoặc họa tiết chim thể hiện sự biết ơn tổ tiên. Ngày nay, trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hoá Việt Nam mà còn là linh khí linh thiêng hội tụ tinh hoa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng huy hoàng đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Khóm tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất, cho tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam. Cây tre thích nghi với mọi hoàn cảnh sống để tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm. Từ ngàn đời, cây tre luôn gần gũi với đời sống của người dân, là hình ảnh thanh bình của làng quê Việt và trở thành biểu tượng không thể thiếu cho bản sắc văn hóa dân tộc. Hình tượng cây tre “Gốc vững, chắc thân, cành uyển chuyển” tương đồng với bản sắc, đường lối, chính sách và phong cách của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung; Là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao; Là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Hình tượng chim hạc trong văn hóa phương Đông là biểu tượng thanh cao, tinh tuý, tượng trưng cho tính cách của người quân tử, là loài chim của vũ trụ, của tầng cao, báo hiệu sự chuyển mùa, đại diện cho thế lực thiên nhiên từ trời xanh. Trong đời sống tinh thần của người Việt, chim hạc là linh vật tượng trưng cho sự bất tử, trường thọ, sự minh mẫn trí tuệ, cho phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc.
Đặc biệt, trong thiết kế sử dụng chủ đạo là tông màu xanh lá cây thể hiện ý nghĩa hòa bình, trường sinh và kết nối phát triển thịnh vượng giữa hai dân tộc Việt Nam - Sierra Leone. Màu xanh lá cây cũng là màu ấn tượng trên quốc kỳ Sierra Leone tượng trưng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu và những ngọn núi hiên ngang giữa đất trời Tây Phi.
Bà Fatima Maada Bio sinh ra và lớn lên tại thị trấn Koidu, quận Kono ở Đông Sierra Leone, là một nữ diễn viên, nhà biên kịch và nhà sản xuất phim từng đoạt giải thưởng trong các bộ phim châu Phi có trụ sở tại Vương quốc Anh. Fatima Bio được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng bà Julius Maada Bio.
Bà có bằng Cử nhân Nghệ thuật với bằng danh dự về Nghệ thuật biểu diễn của Học viện Roehampton ở London. Bà cũng đã có bằng Cử nhân Nghệ thuật Báo chí tại Đại học Nghệ thuật, Đại học Truyền thông Luân Đôn năm 2017.
Trước khi kết hôn với Julius Maada Bio, bà đã có một sự nghiệp thành bàng trong ngành giải trí dưới cái tên thời con gái Fatime Jabbe. Năm 2000, bà giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu châu Phi.
Bà bắt đầu làm việc trong ngành bàng nghiệp điện ảnh châu Phi ở London. Bà đã viết, diễn, và sản xuất các bộ phim Hollywood bao gồm "Batter", "Shameful Deceit", "Expedition Africa", "My Soul". Bà đóng vai chính trong bộ phim "Mirror Boy" và giành giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" tại lễ trao giải ZAFAA 2011.
Năm 2013, bà đã giành giải Pan-African "Người phụ nữ của năm" từ 'Tất cả các truyền thông châu Phi'. Năm 2013, bà giành giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Oscar châu Phi ở Washington DC. Cùng năm bà đã giành giải thưởng Gathering of African Best (GAB) vì đã thúc đẩy một cái nhìn tích cực về người châu Phi trên khắp thế giới.
Thế Hào
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-nhat-phu-nhan-cong-hoa-sierra-leone-yeu-ta-ao-dai-truyen-thong-viet-a20187.html