Chất lượng dịch vụ xe buýt dần chuyển biến tích cực, rõ nét. Ảnh: VGP/Bích Phương
Đẩy mạnh cải thiện hình ảnh xe buýt
Theo thống kê, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%.
Đáng chú ý, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Những năm gần đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là cải thiện hình ảnh xe buýt Hà Nội, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt tại Hà Nội đã được triển khai; song song với việc chủ động rà soát và đề xuất nhằm hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe, khắc phục bất cập về hạ tầng.
Bên cạnh đó, công tác quản trị cũng được quan tâm hàng đầu, nhất là các chương trình, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện, tập trung vào đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo kết hợp tăng cường phân cấp tạo quyền chủ động hơn cho các đơn vị xe buýt có điều kiện chăm lo chất lượng đội ngũ người lao động và chất lượng đoàn phương tiện.
Từ đây, chất lượng dịch vụ cũng có chuyển biến tích cực, rõ nét. Nhiều thông tin khen ngợi về hành vi, thái độ phục vụ, sự nhiệt tình, chu đáo, thân thiện và ý thức trách nhiệm hỗ trợ hành khách của công nhân lái xe, nhân viên phục vụ.
Tăng cường giám sát, xử phạt để hạn chế sai phạm
Đặc biệt, để người dân có thể sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng này, biện pháp mà ngành giao thông Thủ đô đang áp dụng là tăng cường giám sát và xử phạt nặng để hạn chế sai phạm.
Báo cáo kết quả kiểm tra giám sát hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội cho thấy, trong năm 2024, lực lượng kiểm tra giám sát của Trung tâm đã kiểm tra giám sát được trên 6,5 triệu lượt xe. Trong đó, kiểm tra trực tiếp trên tuyến là 17.883 lượt, giám sát gián tiếp qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) là trên 6,48 triệu lượt.
Đáng chú ý, qua công tác kiểm tra giám sát đã lập khoảng 1.000 biên bản vi phạm hợp đồng. Tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hợp đồng là trên 1,3 tỷ đồng, tăng 250,8% so với năm 2023.
Ngoài hình thức xử phạt vi phạm hợp đồng bằng tiền, qua kiểm tra giám sát, Trung tâm đã xử lý bằng hình thức không nghiệm thu chuyến lượt đối với 450 lượt (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023), bao gồm một số lỗi như lỗi mất tín hiệu GPS; xuất bến muộn so với thời gian đóng, mở bến; chạy sai lộ trình tuyến.
Cũng trong năm 2024, lực lượng kiểm tra giám sát của Trung tâm đã phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Qua kiểm tra đã lập và xử lý 17 biên bản vi phạm dừng đón trả khách sai quy định, 4 biên bản liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, trong năm 2025, ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành, Trung tâm sẽ bố trí và duy trì các tổ kiểm tra giám sát hằng ngày trên tuyến; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra giám sát.
Cùng đó, tổ chức từ 2 đến 4 đợt kiểm tra giám sát theo chuyên đề (có sự phối hợp của Thanh tra Giao thông vận tải, giám sát của đơn vị vận tải), trong đó tập trung kiểm tra, giám sát một số nội dung cụ thể như công tác kiểm soát doanh thu, thái độ phục vụ, chất lượng phương tiện đưa vào vận hành trên tuyến...
Đặc biệt, Trung tâm sẽ kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển xe buýt có hành vi vượt đèn đỏ, lạng lách, vượt quá tốc độ quy định...
Bích Phương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tang-cuong-giam-sat-nang-cao-chat-luong-dich-vu-xe-buyt-a201892.html