Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế Canada (IDRC) thực hiện đánh giá sự sẵn sàng cho lĩnh vực AI của các chính phủ từ 160 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ.
Phương pháp đánh giá năm 2021 sử dụng tới 42 chỉ số, cao hơn 9 chỉ số so với năm 2020 và đánh giá dựa trên ba trụ cột: chính phủ, cơ sở hạ tầng và ngành công nghệ. Đánh giá còn dựa trên 10 khía cạnh thuộc các nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô và tính sẵn có của dữ liệu.
Oxford Insights và IDRC nhấn mạnh, việc mở rộng chỉ số mang lại bức tranh toàn cảnh và sâu rộng hơn về sự sẵn sàng cho AI của các nước. Báo cáo Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ cho thấy, có sự cạnh tranh rất lớn trong cuộc đua phát triển chiến lược AI ở các nước.
Theo bản báo cáo, Hoa Kỳ xếp thứ nhất về AI với 88,16 điểm nhờ quy mô, tốc độ phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và là nơi xuất hiện nhiều “kỳ lân” (doanh nghiệp công nghệ lớn) của thế giới, nơi hội tụ những ông lớn hàng đầu trong nghiên cứu và thương mại hóa AI trong thời đại ngày nay. Vương quốc Anh đứng thứ ba, Phần Lan hạng 4 và hạng 5 thuộc về Hà Lan cũng cho thấy thế mạnh của khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu trong cuộc đua dẫn đầu về AI trên thế giới.
Singapore mặc dù chỉ đứng thứ hai nhưng được nhấn mạnh như một “hình mẫu” bởi tầm nhìn về chiến lược AI của quốc gia này bao gồm cam kết giải quyết các vấn đề đạo đức trong AI, nâng cao năng lực kỹ thuật số và hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới cũng như sử dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết công việc của Chính phủ. Singapore cũng là nước có cơ sở hạ tầng 5G mạnh mẽ và mức độ áp dụng cao của xã hội đối với các công nghệ di động nội địa.
CEO và đồng sáng lập Oxford Insights, ông Richard Stirling cho biết, nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của AI trong thời gian gần đây mà nhiều quốc gia đã thu hút được các lợi ích như nâng cao khả năng quản trị, thu hút thêm vốn đầu tư hay nhiều ngành nghề mới được mở ra, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động. “Việc chính phủ áp dụng cách tiếp cận chiến lược để khai thác tiềm năng của AI trong nội bộ và thúc đẩy lĩnh vực AI quốc gia phát triển cho thấy những lợi ích lớn lao. Kết quả Chỉ số sẵn sàng AI năm 2021 chỉ ra mức độ nhận thức ngày càng tăng của các chính phủ về vai trò quan trọng của AI”- ông Richard Stirling nhấn mạnh.
Báo cáo của Oxford Insights cũng phản ánh thực tế về sự bất bình đẳng về mức độ sẵn sàng cho ngành AI khi các vùng ở châu Phi khu vực Sahara, châu Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Trung Á là những nơi có tỷ lệ phát triển AI kém nhất với việc người dân còn lạc hậu, khó tiếp cận với internet, các dịch vụ công nghệ còn rất hạn chế.
Việc tăng 14 bậc so với bảng xếp hạng năm 2020 và đứng thứ 6 trong khối ASEAN, cùng với đó là hàng loạt chiến lược dài hạn, định hướng phát triển AI rõ ràng như xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI, xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, phát triển hệ sinh thái, thúc đẩy ứng dụng, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, việc đưa ngành AI của Việt Nam vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, hướng đến top khu vực châu Á và vươn tầm thế giới là điều hoàn toàn có thể.
PHÚ ĐỖ
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-lot-top-the-gioi-trong-linh-vuc-ai-a20242.html