Hơn 8.000 hộ dân Gia Lai sẽ có nhà ở kiên cố trong năm 2025
Theo Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Gia Lai, hiện địa phương có 17.183 hộ nghèo và 9.469 hộ cận nghèo.
Trong năm 2025, tỉnh Gia Lai dự kiến hỗ trợ xây mới và sửa chữa tổng cộng 8.178 căn nhà, bao gồm 248 căn dành cho gia đình chính sách người có công, 5.354 căn cho hộ nghèo và 2.576 căn cho hộ cận nghèo.
Mức hỗ trợ được quy định là 60 triệu đồng/hộ đối với xây mới và 30 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa, với tổng nguồn kinh phí dự kiến lên tới 438,57 tỷ đồng.
Hiện, các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện phương án triển khai, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Năm 2025, tỉnh Gia Lai dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8.178 căn nhà; trong đó, có 248 căn cho gia đình chính sách người có công, 5.354 căn cho hộ nghèo, 2.576 căn cho hộ cận nghèo.
Theo ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, qua rà soát, địa phương có 542 hộ cần hỗ trợ nhà ở, trong đó 427 hộ cần xây mới và 115 hộ cần sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng.
Trong số này, 22 hộ được hỗ trợ xây nhà từ chương trình dành cho người có công, 148 hộ hưởng chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, và 372 hộ thuộc diện hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Chính phủ. Mức hỗ trợ trung bình cho mỗi căn nhà xây mới là 60 triệu đồng.
Chia sẻ về chương trình này, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh: “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang ý nghĩa an sinh xã hội mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với những hộ gia đình khó khăn.
Những ngôi nhà kiên cố không chỉ giúp người dân an toàn trước mưa nắng mà còn tiếp thêm niềm tin, động lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là sự sẻ chia đầy ý nghĩa, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, nơi chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay kiến tạo một Gia Lai phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau".
Lãnh đạo UBND huyện Ia Grai quyết tâm hoành thành mục tiêu "về đích" đúng hẹn trước 30/6, theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh".
Huyện biên giới Chư Prông là địa phương có số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng và sửa chữa lớn nhất tỉnh Gia Lai, với tổng cộng 1.078 căn, trong đó 81 căn cần sửa chữa.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huyện đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát; xác minh kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng; đồng thời huy động sự chung tay của toàn xã hội với tinh thần “lá lành đùm lá rách".
Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông nhấn mạnh: “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn, đúng đắn và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhờ chương trình này, nhiều hộ nghèo, khó khăn về nhà ở sẽ có nơi an cư vững chắc.
Đây không chỉ là sự hỗ trợ thiết thực mà còn tiếp thêm động lực, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống".
Nụ cười hạnh phúc của người dân
Những năm qua, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Gia Lai đã trở thành phong trào rộng khắp, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp, ngành và sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân.
Hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng.
Với quyết tâm “về đích” đúng hẹn, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, các xã trên địa bàn huyện Ia Grai đang khẩn trương triển khai chương trình.
Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krái cho biết, toàn xã có 60 hộ được hỗ trợ xây mới và 13 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Hiện nay, 29 hộ đã thống nhất đóng góp đối ứng từ 20 đến 50 triệu đồng để xây dựng nhà. Trong đó, 15 căn đã được khởi công, đảm bảo tiến độ đề ra.
“Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xã đã chủ động vận động các hộ dân và tổ thợ xây khởi công sớm mà không chờ nguồn kinh phí hỗ trợ. Đồng thời, chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng để được ứng trước nguyên vật liệu. Khi nguồn kinh phí được cấp về, xã sẽ hoàn trả đầy đủ", ông Nguyễn Đức Tấn chia sẻ.
Vợ chồng anh Rơ Lan Lanh ngụ làng Yom, xã Ia Khai vui mừng chờ ngày vào nhà mới.
Đứng bên ngôi nhà vừa hoàn thiện phần móng, vợ chồng anh Rơ Lan Lanh (làng Yom, xã Ia Khai) không giấu được niềm vui. Nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ, mỗi mùa mưa đến, cả gia đình lại thấp thỏm lo sợ vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Nhờ chương trình xóa nhà tạm, gia đình anh được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới kiên cố. "Giờ đây, vợ chồng tôi không còn lo mưa dột, gió lùa, các con cũng có nơi ở ổn định để học hành. Tôi sẽ cố gắng lao động để vươn lên thoát nghèo", anh xúc động chia sẻ.
Cách đó vài trăm mét, gia đình anh Rơ Châm Luên cũng vừa hoàn thiện phần móng ngôi nhà mới.
Nhận được tin được hỗ trợ, anh không giấu nổi niềm xúc động: "Chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ có một căn nhà kiên cố. Chỉ vài ngày nữa thôi, gia đình tôi sẽ được dọn vào nhà mới, không còn lo mưa gió. Tôi biết ơn chính quyền và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ để gia đình tôi có mái ấm vững chắc".
Vợ chồng anh Rơ Châm Luên phấn khởi vừa hoàn thiện phần móng nhà.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - ông Hồ Văn Niên, chương trình là cuộc vận động lớn nên cần triển khai chặt chẽ, đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả; trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, dột nát cho người có công.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Việc thực hiện phải công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lanh-dao-tinh-gia-lai-xoa-nha-tam-dot-nat-phai-cong-khai-minh-bach-khong-de-that-thoat-lang-phi-a203069.html