Kỳ vọng thị trường có sóng lớn sau một năm 2021 đầy khởi sắc, nhiều nhà đầu tư mạnh tay gom cổ phiếu. Tuy nhiên chứng khoán giảm liên tiếp, chật vật ở ngưỡng 1.500 nhiều ngày qua khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.
Không mong đổi vận, chỉ mong hồi vốn
Chị Phạm Ngọc Giang (24 tuổi, Hà Nội) hiện là nhân viên văn phòng cho công ty cung cấp dịch vụ hải quan, nhập khẩu thiết bị y tế. Năm 2021, các đồng nghiệp và bạn bè xung quanh chị đều tham gia đầu tư chứng khoán, hầu hết số họ đều báo lãi. Thậm chí, có người cho biết tài khoản đã nhân đôi chỉ sau vài tháng đầu tư.
Như nhiều nhà đầu tư khác, chị Giang hồ hởi tham gia đầu tư chứng khoán. Bắt đầu tìm hiểu sơ bộ về thị trường, chị Giang cũng lên các kênh youtube, tham gia nhiều nhóm trên Facebook để học và tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Tự nhận là một người "ăn chắc mặc bền", chị Giang cho biết nhất quyết sẽ không tham lam mà đổ tiền vào các cổ phiếu đầu cơ "nóng". Chị lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng của các doanh nghiệp tốt và bắt đầu lựa chọn đầu tư.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị bỏ ra 100 triệu đầu tư. Chị cho biết số tiền đó là tiền nhàn rỗi, dành để đầu tư lâu dài. 2 mã chị chọn là POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và VIC của Vingroup. Với mã POW, chị vào giá 20.500 đồng/cổ phiếu còn VIC giá 104.000 đồng/cổ phiếu. "Tôi biết với những cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn sẽ không thể tăng nóng, nhưng ít nhất, tôi tin lãi sẽ cao hơn gửi ngân hàng", chị cho hay.
Tuy vậy, chứng khoán không chỉ là trò đỏ - đen.
Chứng sĩ thành tử sĩ vì những "món quà của thượng đế" từ nhóm chat phím hàng
Mã POW hiện đang ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng chị Giang đã mất 21% thị giá. Với VIC, mã này hiện đạt 77.000-78.000 đồng/cổ phiếu, tức chị Giang hiện đã lỗ 25%.
"Nhiều thời điểm tài khoản chứng khoán còn gửi thông tin cảnh báo danh mục bạn đang lỗ, tôi không biết làm thế nào. Hiện tôi không dám dành thêm tiền đầu tư và cũng không có nhiều tiền nhàn rỗi để trung bình giá bởi mới đi làm được gần 2 năm", chị cho hay. Chị Giang cho biết vẫn đặt niềm tin vào doanh nghiệp và thay vì mong chờ đổi vận, hiện chị chỉ mong hồi vốn.
Chứng khoán đầu năm "chật vật"
Dù đang chịu mức lỗ trên 20%, chị Giang vẫn may mắn hơn nhiều người bởi chỉ đang đầu tư bằng tiền nhàn rỗi. Tại các hội nhóm đầu tư chứng khoán trên Facebook, nhiều nhà đầu tư cho biết "bất lực" mỗi lần nhìn tài khoản sau những phiên giảm mạnh. Chỉ số ít cho biết có lãi, hầu hết đều chung cảnh "đỏ danh mục".
2021 được xem là năm thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu được thiết lập. Số tài khoản mở mới, thanh khoản, tốc độ tăng trưởng, giá trị vốn hóa, số doanh nghiệp tỷ USD, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại... đều báo những con số khiến nhiều người ngỡ ngàng. Những cổ phiếu tăng cả chục lần trong một năm khiến không ít người tiếc nuối.
Năm thăng hoa của thị trường chứng khoán: Những kỷ lục được thiết lập
Chính bởi lẽ đó, nhiều người đã quyết định trở thành một nhà đầu tư F0 và háo hức gia nhập thị trường chứng khoán năm 2022. Tuy nhiên, chứng khoán hiện không còn dễ ăn như năm trước. Giới đầu tư "ôm mộng đổi đời" bất chợt nhận ra đây thực chất là thị trường đấu trí đầy khốc liệt.
Năm 2021, Vn-Index vào top những thị trường tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 35,7%. VN-Index cán mốc 1498,28 điểm phiên cuối cùng năm 2021.
Một vài phiên giao dịch đầu năm 2022, chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, lập đỉnh lịch sử mới khi phá mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, đà tăng này không diễn ra lâu dài.
Thị trường đã điều chỉnh nhiều phiên giảm điểm, VN-Index có nhiều phiên điều chỉnh đi xuống khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Trải qua nhiều đợt rung lắc mạnh, Vn-Index mất mốc 1.500 điểm. Phiên ngày 16/3, thanh khoản chứng khoán chưa đến 19.000 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 do tâm lý nhà đầu tư dè dặt và không còn nhiều mã tăng "nóng" như trước. Trước đó, phiên ngày 14/3, chứng khoán xuống thấp nhất 2 tháng trở lại đây, mất hơn 20 điểm do thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, cộng thêm áp lực bán ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm nước ngoài cũng ghi nhận bán ròng 8 phiên liên tiếp.
Còn nhiều tiềm năng với những nhà đầu tư kiên nhẫn
Có nhiều lý do khiến chứng khoán chưa thể bật tăng sau 2 tháng đầu năm 2022. Có thể kể đến ảnh hưởng địa chính trị từ xung đột Nga - Ukraine thời gian gần đây hay do ngân hàng đã tăng lãi suất trở lại... Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng sau một năm tăng nóng, thị trường khó có thể đạt mức tăng như trước. Đây là điều nhiều nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường không nắm rõ, dẫn đến tình trạng vào nhầm điểm mua, khiến tài khoản bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, không phải vì thị trường khó khăn trong thời gian gần đây mà không còn cơ hội đầu tư. Theo ông, điều nhà đầu tư cần làm là xây dựng danh mục hợp lý, đủ an toàn và đủ thận trọng.
Theo ông Khánh, các nhà đầu tư không nên bi quan quá khi nhìn các phiên giảm chứng khoán. Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Chứng khoán VPS cho rằng thị trường có lên hay xuống đều đầu tư được. "Điều quan trọng cổ phiếu gì, danh mục như thế nào và mua vào thời điểm nào", ông nói. Ông Khánh nhận định nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu tốt, chỉ vì thị trường giảm rồi bán đi để nắm giữ tiền thì cũng không phải là hay, đặc biệt là trong giai đoạn lạm phát tăng như hiện tại. Ông cho rằng, đôi khi chứng khoán lại là kênh trú ẩn an toàn.
Năm 2021, thị trường chứng kiến nhiều câu chuyện "sóng ngành" chứng khoán. Đây là sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành ở các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, theo ông, năm 2022 không phải câu chuyện nhóm ngành mà phải theo dõi các cổ phiếu riêng lẻ. "Phải chọn lọc kỹ càng, không giữ ngắn hạn, không thoải mái sử dụng đòn bẩy margin..." - ông đưa ra lời khuyên. "Vẫn còn nhiều tiềm năng với những nhà đầu tư kiên nhẫn với thị trường", ông nhấn mạnh.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vo-mong-lam-giau-nho-chung-khoan-a20448.html