Ngày 15/3 là mốc thời gian Bộ VH,TT&DL đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt, mở ra cơ hội lớn để phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau thời gian dài căng mình chống dịch. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã qua nhưng với nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang phía trước.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Tuấn Nam - Phó Giám đốc công ty Du lịch Đại Phát cho hay: "Khách nước ngoài muốn đi du lịch, họ thường lên kế hoạch trước 3-4 tháng, trước khi đi, họ sẽ tìm hiểu nơi đến xem điều kiện ăn ở, lưu trú thế nào? Có phù hợp với họ không, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài, những đắn đo, phân vân này càng tăng lên. Công ty chúng tôi thường xuyên đưa, đón khách Nga và Đông Âu vào Việt Nam nhưng thời gian qua, lượng khách Book tour (đặt tua du lịch - PV) là không có. Họ chỉ hỏi những điều kiện vào Việt Nam thế nào, họ cũng lo lắng như doanh nghiệp chứ chưa quyết định đặt vé ngay".
Theo ông Nam, thời gian qua, các chính sách nhập cảnh, đón khách quốc tế thay đổi liên tục, thay đổi từng ngày nên phía doanh nghiệp không biết trả lời khách thế nào cho chính xác.
"Vào thời điểm tháng 2, Bộ VH,TT&DL lại đề xuất quy định khách du lịch nước ngoài phải mua bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị Covid-19, mức tối thiểu 50.000 USD. Vì không công ty bảo hiểm nào có sẵn dịch vụ này, nên một số công ty phải "thắt lưng buộc bụng" đặt hàng gói bảo hiểm như trên. Nhưng khi thực hiện xong, quy định này lại bị bãi bỏ, khiến công sức của doanh nghiệp đổ sông đổ bể. Chúng tôi vẫn đang mòn mỏi đợi khách quốc tế vào Việt Nam...", ông Nam tâm tư.
Nói về việc ảm đạm trong đợt du lịch này, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc World Mate Travel, thừa nhận doanh nghiệp chẳng có nổi một đoàn khách trong đợt 15/3. Dù sự quan tâm của khách là rất lớn, ông Tú cũng không biết phải nói gì với họ.
"Chúng tôi phải nói nước đôi với họ. Kiểu như công ty sẽ cập nhật tình hình sau 15/3, còn bây giờ, chưa có gì thay đổi cả. Thời gian qua có những tranh cãi, về quy định nhập cảnh vào Việt Nam và Bộ Y tế nên các doanh nghiệp một lần nữa rơi vào thế khó. Chúng tôi luôn thấp thỏm lo lắng nên cũng không biết giải thịch cụ thể với các đoàn khách thế nào.Các doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành có chỉ đạo thống nhất để đón khách".
Cũng có những băn khoăn sau ngày mở cửa 15/3, bà Lê Bích Ngọc - công ty Du lịch Thương Mại Mặt trời mới chia sẻ: "Vào cuối tháng 2, chúng tôi có 2 nhận được yêu cầu đạt tour của 2 đoàn khách quốc tế sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 3, nhưng khi đó, các quy định ở nước ta chưa thống nhất nên chúng tôi không dám nhận. Chúng ta nên chốt các phương án đón khách cụ thế, nếu không, khách du lịch sẽ "quay xe" mà sang các nước bên cạnh như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Maldives, Hàn Quốc…, mà rõ ràng, tiềm năng du lịch của mình không kém gì họ, vì vậy, càng có những chính sách đón khách sớm, ngành du lịch càng sớm phục hồi".
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho biết, trước mốc thời gian mở cửa đón khách vào ngày 15/3, khối đón khách từ nước ngoài đến Việt Nam của công ty đã tiếp thị trực tiếp đến các đối tác tại nước ngoài, cũng như phối hợp với văn phòng tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ… xây dựng bộ sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Nếu chính sách nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, công ty có thể đón khách từ cuối tháng 4.
"Tuy nhiên, việc thắt chặt quy định quá sẽ khiến không chỉ doanh nghiệp và khách quốc tế cũng e dè. Ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia đã hoàn toàn mở cửa (khách du lịch đã tiêm vắc-xin, chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh), Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh… Có thể thấy, các nước trong khu vực đều đang gấp rút mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch. Vì thế, chúng tôi mong sẽ có chính sách nhất quán. Vì "mở toang" ở thời điểm này, chúng ta có thể đón khách từ tháng 9 đến cuối năm và tháng 2, tháng 3/2023", bà Vân Khanh chia sẻ.
Tối 15/3, Bộ Y tế công bố hướng dẫn về quy định phòng, chống dịch với người nhập cảnh Việt Nam.
Theo đó, người nhập cảnh theo đường hàng không cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng PCR trong vòng 72 giờ; nếu là test nhanh, trong vòng 24 giờ, trước khi xuất cảnh.
Người nhập cảnh đường bộ, đường thủy, đường sắt áp dụng quy định tương tự. Trường hợp chưa có xét nghiệm thì trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, từ cửa khẩu về nơi lưu trú (khách sạn, nhà riêng...) cần hạn chế dừng, tiếp xúc với người khác. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể tự do đi lại.
Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm và đi theo bố mẹ, người thân...
Trong 10 ngày kể từ khi nhập cảnh, khách tự theo dõi sức khỏe và báo với cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, cài đặt ứng dụng PC-Covid suốt thời gian ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng, với những chính sách linh hoạt dần dần, Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn, thân thiện của khách quốc tế trong thời gian tới.
Miễn thị thực cho nhiều thị trường du lịch trọng điểm từ 15/3
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực 15 ngày cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường nguồn khách quan trọng của ngành du lịch Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đinh Lạc Thành
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/du-lich-sau-ngay-153-doanh-nghiep-mon-moi-doi-khach-quoc-te-a20461.html