Bài toán nhân lực công nghệ thông tin và "cơn khát" của doanh nghiệp

Nhân sự ngành công nghệ thông tin không bị giới hạn biên giới, không gian làm việc và hiện còn là đối tượng được các tập đoàn lớn trên thế giới “săn lùng”.

"Chúng tôi đang "chết đói" nhân sự"

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực sự rơi vào tình cảnh thiếu nhân sự công nghệ thông tin. Chia sẻ về vấn đề này với VTC News, ông Đặng Văn Đảm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thái Bình Dương Việt Nam (Duy Tiên, Hà Nam) nói: "Chúng tôi đang "chết đói" nhân sự. Chúng tôi rất cần nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) cho việc mở rộng quy mô, công suất của nhà máy, đồng thời giảm tải công suất làm việc cho người lao động, giúp họ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động".

Theo ông Đảm, do nhu cầu mở rộng dây chuyền phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng thiết bị viễn thông cho đối tác trong nước và xuất khẩu nên doanh nghiệp rất cần tuyển 8 nhân sự chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ thông tin phụ trách điều hành hệ thống máy chủ, kết nối các hoạt động giao dịch quốc tế với mức lương khởi điểm lên đến 23 triệu/người/tháng. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 6 tháng, nhưng doanh nghiệp này mới chỉ tuyển được 3 người.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất "khát" nhân sự công nghệ thông tin mà ngay cả các doanh nghiệp chuyên về công nghệ, nơi được cho là môi trường làm việc lý tưởng của dân công nghệ, cũng đang "chết đói" nhân sự. Không ít doanh nghiệp chấp nhận trả mức lương từ 800 đến 2.000 USD/người/tháng, nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Xu hướng thị trường - Bài toán nhân lực công nghệ thông tin và 'cơn khát' của doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực sự rơi vào tình cảnh thiếu nhân sự. Ảnh minh họa từ báo Đầu Tư 

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt từ sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt”.

Theo VOV, năm 2022 được kỳ vọng là năm của kỷ nguyên số hoá, các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân lực, để đáp ứng được nhu cầu công nghệ, kỹ thuật của thị trường và của khách hàng.

Thống kê của công ty tuyển dụng Navigos Group cho thấy, mức lương nhân sự chủ chốt CNTT dao động từ 30-90 triệu đồng, riêng lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở mức 1000-2000 USD/tháng; chưa kể với những lĩnh vực này, nhân sự còn có thể làm freelance cho nhiều công ty khác. Song, “cơn khát” nhân sự CNTT vẫn rất lớn.

Nhân sự CNTT, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI… đã có những thành tích và ghi dấu ấn nhất định trên bản đồ công nghệ thế giới. Chính vì thế, nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự công nghệ.

Theo ông David Wei, Tổng Giám đốc, Huawei Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT vào năm 2030, với chi phí cơ hội hàng năm là 4.238 tỷ USD. Qua khảo sát, hơn 50% giảm đốc điều hành trong khu vực cũng cho hay rất khó tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp.

“Thực trạng mất cân đối lớn giữa nguồn cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó 70% nhu cầu nằm trong các lĩnh vực mới nổi, như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật - IoT và AI. Kế hoạch trong thời gian tới, Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD với mục tiêu đào tạo 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết lập 8 học viện cho các quốc gia ASEAN”, ông David Wei cho hay.

Chiến lược quan trọng của Huawei tại Việt Nam trong tương lai là hợp tác với các đối tác hình thành 15 học viện Huawei, phối hợp với 100 cơ sở (của các trường đại học và các tổ chức) để đào tạo hơn 10.000 sinh viên trong ngành.

Vì đâu nên nỗi?

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia công nghệ thông tin, PGS- TS Phạm Quang Hà cho biết, dự báo trong năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.

 “Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 cử nhân chuyên ngành CNTT đáp ứng được đòi hỏi mà doanh nghiệp đề ra”, ông Phạm Quang Hà nói.

Cũng lý giải nguyên nhân khiến nhân sự ngành công nghệ thiếu trầm trọng trong những năm gần đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bản thân những người giỏi công nghệ thường không có tâm lý làm thuê cho doanh nghiệp mà xin đi làm chỉ để trải nghiệm, sau đó dễ dàng bị thu hút bởi các doanh nghiệp khác hoặc đứng ra thành lập doanh nghiệp cho riêng mình, theo đuổi những start up mới.

“Muốn thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần từ 10-20 nhân sự nên dẫn đến việc doanh nghiệp công nghệ thiếu càng thêm thiếu”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, không ít các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng kinh doanh. Do đó, họ rất cần nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để làm việc.

Thậm chí, theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, những năm gần đây, không chỉ Việt Nam thiếu hụt nhân sự CNTT mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi vậy gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Singapore, Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, đã tham gia tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam để làm việc từ xa.

Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc các dự án phần mềm Y tế (Viettel cáp quang), thông tin, bên cạnh việc một bộ phận sinh viên ra trường làm không đúng chuyên ngành đào tạo thì sự cạnh tranh gay gắt cũng dẫn đến việc tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao của các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao cũng không tìm được người thích hợp.

Theo các chuyên gia công nghệ, nhân sự CNTT do thiếu và hiếm nên luôn có nhu cầu lương bổng cao, tương ứng với năng lực, đóng góp của họ.

Theo khảo sát, những vị trí như Giám đốc công nghệ có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương từ 30-60 triệu đồng, ngay cả lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khởi điểm ở mức 1.000 - 2.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được yêu cầu đó, vì vậy, việc tuyển nhân sự, đặc biệt là nhân sự giỏi ngành CNTT càng khó thực hiện hơn, trong bối cảnh nguồn cung luôn luôn thiếu. 

Đào Vũ (Tổng hợp) 

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-toan-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-va-con-khat-cua-doanh-nghiep-a20489.html