Sinh viên làm sao tìm được việc làm phù hợp với mình, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động nhiều khắt khe, khó tính như hiện nay là câu hỏi trăn trở của nhiều bạn sinh viên trẻ mới tốt nghiệp ra trường.
Bàn về chủ đề này, PV Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế), Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Tp.HCM.
Bước khởi đầu nghề nghiệp cần hết sức bình tĩnh
PV: Là người nhiều năm kinh nghiệm trong công tác dự báo nhân lực, hướng nghiệp, tuyển dụng, theo ông sinh viên mới ra trường cần có những kỹ năng gì để đáp ứng công việc của mình?
Ông Trần Anh Tuấn: Thông thường, hiện nay, sinh viên được đào tạo bài bản kiến thức từ trên ghế nhà trường, họ ra trường tự tin với những gì mình đã học từ những kiến thức lý thuyết liên quan ngành nghề mình đã chọn. Tuy nhiên thực tế, các nhà tuyển dụng đánh giá rất khắt khe các yếu tố đi cùng.
Chẳng hạn, để phỏng vấn cho một vị trí nhân sự của công ty, họ chú ý đến thái độ, tinh thần cầu thị của nhân sự đó. Nhân sự được tuyển dụng ngoài có bằng cấp liên quan kiến thức lý thuyết về nghề nghiệp, còn phải có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, mong muốn được đào tạo các kỹ năng mới phù hợp với môi trường họ sẽ làm việc.
Bên cạnh đó, họ chú trọng nhân sự có đề cập đến nghĩa vụ lao động của mình hay không, có cam kết đóng góp công sức của mình cho công ty bằng sự gắn bó với lòng tự tin, tự trọng, lâu dài cho nơi mình sẽ làm việc hay không…
Có một thực tế, hiện nay, sinh viên thường đòi hỏi mức lương từ nhà tuyển dụng, xem lương có cao không, việc nhẹ nhàng không? Điều đó, thể hiện sự mặc cả, phô trương năng lực.
Quan trọng, sinh viên phải biết tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến làm việc để trao đổi trong cuộc phỏng vấn, chưa gì đã "mặc cả" mức lương mà không chú ý đến giá trị nghề nghiệp lâu dài của mình là một sai lầm lớn trong bước đầu hành trình nghề nghiệp của mình.
PV: Ông có thể nói rõ hơn những cạm bẫy thường gặp khi sinh viên ra trường đi phỏng vấn việc làm?
Ông Trần Anh Tuấn: Trên con đường khởi đầu nghề nghiệp, chắc chắn sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những cuộc phỏng vấn đầu đời tìm việc làm của mình. Thông thường, những nhà tuyển dụng giăng bẫy việc nhẹ, lương cao với những lời phỏng vấn ngọt ngào, có cánh, hứa kiểu việc nhẹ lương cao…
Đó chỉ là những lời hứa, áp dụng nhiều cho những công việc như bán hàng đa cấp, việc làm sinh viên cần chi tiền đầu tư… mà sinh viên mới ra trường là đối tượng dễ bị dụ nhất.
Thực ra, những nhà tuyển dụng cố tình hỏi khó mình, đó cũng là cách để họ thử mình xem có kỹ năng nghề nghiệp không, mình có kỹ năng giao tiếp đủ để đáp ứng vị trí công việc đó không. Muốn vậy, sinh viên phải trau dồi các kỹ năng liên quan nghề nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Đồng thời cần hết sức bình tĩnh với các tình huống trong khi phỏng vấn.
Bí quyết để có nghề nghiệp tốt hiện nay
PV: Để trở thành một người lao động chuyên nghiệp, đáp ứng thị trường lao động cực kỳ năng động và khó tính như hiện nay, theo ông sinh viên cần trang bị những yếu tố cần thiết nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Thứ nhất đó là yếu tố nghề nghiệp. Sinh viên phải từng bước hiểu về nghề của mình ngay từ trên ghế nhà trường. Phải có kiến thức về lý thuyết, thực hành giỏi. Để có nghề nghiệp thuận lợi, sinh viên phải có nền tảng văn hóa tốt từ trên giảng đường, văn hóa về nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, đồng thời sinh viên phải có tinh thần học tập, tự tin, khiêm tốn, biết nghĩ về bản thân nhưng cũng phải biết nghĩ cho người khác…
Thứ hai, sinh viên phải biết ứng dụng kiến thức lý thuyết đã học vào công việc của mình một cách linh hoạt để phù hợp với công việc thực tiễn mình đang làm chứ không nên phô trương thái quá về bằng cấp mình có.
Thứ ba, sinh viên phải có kỹ năng giao tiếp. Ở đây, thuật ngữ giao tiếp được hiểu với nghĩa rộng, chứ không phải là anh nói giỏi, nói hay là giao tiếp giỏi. Mà đơn giản là trong công việc, làm sao mình nói người ta hiểu, người ta nói mình hiểu, có sự phối hợp nhịp nhàng với nhà quản lý, đồng nghiệp, đối tác… Sự chịu khó lắng nghe, cầu thị trong công việc cũng là một cách giao tiếp.
Thứ tư, sinh viên phải có kỹ năng làm việc nhóm. Đó là sinh viên phải biết lắng nghe, cầu thị, hợp tác trong công việc được giao. Làm việc nhóm hiệu quả là phải biết ứng phó, phán đoán giỏi, tương tác tỉnh táo, phân công nhiệm vụ từng người, hợp tác với nhau cùng cho ra kết quả chứ không phải anh nhiệt tình, chân thật, chan hòa, ôm hết việc vào mình.
Thứ năm, sinh viên phải có đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật bản thân. Biết đến làm việc đúng giờ, hoàn thành công việc được giao, ăn mặc nghiêm túc… Về đạo đức nghề nghiệp, nhà tuyển dụng bao giờ cũng mong muốn, nhân viên của mình có tinh thần cống hiến hết sức mình, đóng góp vào sự phát triển cho công ty mà họ đang tìm người…
Nhiều sinh viên nghĩ là mình giỏi, nên khi trúng tuyển vào công ty, tự kiêu, nghỉ làm thường xuyên, hoặc lơ là công việc, đứng núi này trông núi nọ… Đây là những điều không hề có nhà tuyển dụng nào mong muốn.
Thứ sáu, là phải có tư cách tốt, điều này được rèn luyện trong quá trình phát triển bản thân của sinh viên. Muốn có tư cách tốt, sinh viên đó phải luôn nỗ lực rèn luyện, đặc biệt được gia đình, nhà trường, xã hội tạo điều kiện sinh sống, học tập, rèn luyện trong môi trường tốt nhất để không ngừng hoàn thiện bản thân.
Nguyễn Lành
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-gia-chia-se-bi-quyet-giup-sinh-vien-tim-duoc-viec-lam-tot-a20665.html